Khi xét nghiệm COVID-19 tại lãnh thổ liên bang Labuan, cơ quan y tế Malaysia đã phát hiện hai trường hợp là người nước ngoài nghi nhiễm biến thể Mu và biến thể Lambda.
Theo Cục Y tế Labuan, đây là hai thủy thủ làm việc trên một con tàu và trước khi tới Malaysia, tàu này từng neo đậu tại cảng ở nước xuất hiện biến thể Mu và biến thể Lambda.
Một trong hai ca có thể gây ra tỷ lệ lây nhiễm cao và cơ quan y tế Labuan không còn cách nào khác phải gửi mẫu bệnh phẩm sang Bán đảo Malaysia để phân tích.
Cục Y tế Labuan cho biết thêm tất cả các thủy thủ nhập cảnh Labuan đều phải xét nghiệm COVID-19 bắt buộc. Hai ca COVID-19 nêu trên được phát hiện khi một nhóm y tế tư nhân lên tàu xét nghiệm. Ngay sau khi có kết quả, toàn thể 28 thủy thủ đều phải cách ly trên tàu.
Như vậy, sau khi biến thể Delta khiến số ca COVID-19 ở Labuan tăng mạnh, lãnh thổ liên bang này lại phát hiện trường hợp nghi nhiễm biến thể mới là người nước ngoài nhập cảnh.
[Chuyên gia Malaysia: Biến thể Mu có thể vô hiệu hóa vaccine COVID-19]
Biến thể Mu xuất hiện lần đầu ở Colombia vào đầu tháng 1/2021, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng quan ngại vào ngày 30/8.
Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng né tránh miễn dịch tự nhiên, các loại vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện tại có thể không hoạt động hiệu quả như chống lại virus gốc.
Trước biến thể Mu, vào ngày 17/6, biến thể Lambda cũng được WHO xếp loại "đáng quan tâm."
Theo WHO, biến thể Lambda có liên quan đến tỷ lệ lây truyền cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây lan gia tăng theo thời gian đồng thời với tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 gia tăng.
Đến nay, biến thể Lambda đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia, lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru, nơi các mẫu virus được ghi nhận sớm nhất vào tháng 12/2020./.