Malaysia xem xét lại việc mua máy bay chiến đấu của Pháp

Malaysia cho biết quyết định của Liên minh châu Âu hạn chế nhập khẩu dầu cọ có thể khiến nước này cân nhắc lại kế hoạch mua các máy bay chiến đấu của Pháp.
Malaysia xem xét lại việc mua máy bay chiến đấu của Pháp ảnh 1Máy bay chiến đấu Rafale. (Nguồn: dassault-aviation)

Ngày 8/3, Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới, cho biết quyết định của Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu mặt hàng này có thể khiến Kuala Lumpur cân nhắc lại kế hoạch mua các máy bay chiến đấu của Pháp, một trong những thương vụ máy bay chiến đấu lớn nhất châu Á.

Cho đến nay, máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, do tập đoàn hàng không Dassault sản xuất, được xem là lựa chọn hàng đầu của Malaysia khi nước này lên kế hoạch mua tới 18 chiếc máy bay chiến đấu mới trong một thỏa thuận trị giá hơn 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về thương vụ này đã gặp trở ngại sau khi giới chức châu Âu thúc đẩy việc ngừng sử dụng dầu cọ trong sản xuất nhiên liệu cho xe cộ.

Hồi đầu tuần này, Malaysia cho biết sẽ không né tránh một cuộc chiến thương mại và sẽ đáp trả "bằng sức mạnh và sự khéo léo" nếu EU không rút lại quyết định hạn chế nhập khẩu dầu cọ.

[Malaysia hoãn kế hoạch mua máy bay tiêm kích trị giá 2 tỷ USD]

Phát biểu tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết hiện máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đang cạnh tranh với các máy bay của Anh, quốc gia đã quyết định tách khỏi EU. Do đó, ông cho rằng Pháp và EU nên cân nhắc điều này liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu dầu cọ.

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Hussein đã mở ra hy vọng cho tập đoàn BAE Systems của Anh, vốn bị đánh giá đang ở thế bất lợi sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết đã thảo luận về khả năng mua các máy bay Rafale trong cuộc hội đàm với ông Francois Hollande nhân chuyến thăm Malaysia của vị cựu Tổng thống Pháp hồi năm ngoái.

Trong gần thập kỷ qua, tập đoàn BAE Systems của Anh cũng đã triển khai một chiến dịch bền bỉ nhằm giành được hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho Malaysia. Thậm chí, BAE Systems còn mở một văn phòng khu vực ngay tại thủ đô Kuala Lumpur.

Hồi tháng 4 năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết, trong đó tuyên bố chỉ có dầu cọ bền vững với môi trường mới có thể được nhập khẩu vào EU sau năm 2020, bởi sản phẩm dầu cọ hiện nay không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững.

Nghị quyết này cũng nhấn mạnh dầu cọ xuất khẩu vào châu Âu phải được chứng nhận theo một quy trình sản xuất bền vững để đảm bảo dầu được sản xuất bằng phương pháp bền vững môi trường và ngăn chặn nạn phá rừng.

Giới phân tích nhận định kế hoạch này của EU có thể khiến nền kinh tế Malaysia thiệt hại khoảng 500 triệu USD doanh thu hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục