Hội thảo với chủ đề “Báo chí và Mạng xã hội” đã diễn ra sáng 2/12, tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà báo, quản lý báo chí, phóng viên các cơ quan báo chí. Sự kiện do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Tạp chí Người làm báo tổ chức.
Sau một thời gian chuẩn bị nội dung, với sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà báo, nhà quản lý báo chí và những người quan tâm đến lĩnh vực này, Ban tổ chức đã nhận được 19 tham luận. Các bài tham luận đã đóng góp các kết quả nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm nghề nghiệp sinh động và thiết thực, cũng như đưa ra đề xuất gợi ý hữu ích.
Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về tác động của mạng xã hội đến báo chí và hoạt động tác nghiệp của nhà báo; trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo khi tham gia mạng xã hội cũng như một số đề xuất để khai thác, sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí hiện đại.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), sống trong kỷ nguyên số, sẽ là sai lầm nếu coi nhẹ tầm quan trọng và tác động của mạng xã hội đối với mỗi người dân và xã hội.
Ở Việt Nam, hiện có hơn 40 triệu người dành thời gian trung bình hơn 5 tiếng mỗi ngày lên mạng Internet, mạng xã hội, nhất là Facebook. Đây là cơ hội lớn của các cơ quan báo chí Việt Nam trong việc kinh doanh, phát hành và thu hút lượng người đọc đến với sản phẩm báo chí của đơn vị.
Các phóng viên khai thác thông tin quốc tế của Việt Nam hiện nay đều có tài khoản trên các mạng xã hội lớn như Twitter kết nối với các cơ quan báo chí quốc tế vì đây là nguồn tin rất nhanh. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động qua lại giữa báo chí và mạng xã hội, tuy nhiên thế giới đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này.
Nhiều nhà báo cho rằng mạng xã hội đã và đang là một nguồn tin của báo chí, nguồn tin từ Facebook được báo chí đăng tải đã tạo lên các cuộc tranh luận lớn trong xã hội. Ví dụ gần đây nhất là sự việc chặt cây xanh ở thủ đô Hà Nội, vụ phê bình lãnh đạo tỉnh An Giang... cho thấy ý kiến cá nhân đã trở thành các vấn đề lớn khi được báo chí đăng tải, được xã hội quan tâm và có thể tác động đến việc thay đổi chính sách, quyết định của cơ quan lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, từ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, người dân và báo chí đã góp phần đưa ra công luận những việc làm sai trái của các cấp chính quyền. Báo điện tử cũng hay đăng tải lại các video clip được xem nhiều nhất trên mạng xã hội Youtube...
Tuy vậy, do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy nhưng "ảo," khó sàng lọc thông tin, khiến mạng xã hội tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. Đặc biệt là xuất hiện một số phóng viên không kiểm chứng nguồn tin đã chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội thành tin, bài trên báo, dẫn đến những hậu quả khó lường. Tin tức giật gân, câu khách dễ dẫn đến hiện tượng phỏng theo, bắt chước, nhất là trên các báo điện tử thiên về giải trí.
Mạng Internet, trong đó có mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức làm báo từ việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận nguồn, khai thác thông tin đến truyển tải thông tin.
Trong vài năm gần đây, số lượng phát hành của các tờ báo in ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Xu hướng đọc báo của công chúng hiện nay là tìm thông tin trên báo điện tử và các trang mạng. Xu thế khai thác thông tin của các nhà báo cũng chuyển đổi theo. Tại các tòa soạn tin, bài liên tục được cập nhật phù hợp với các hình thức phân phối thông tin khác nhau và phong cách khác nhau, trên mạng điện tử, kênh mạng xã hội và trên báo giấy.
Trong xu thế tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, nhà báo cần trau dồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số. Bên cạnh đó, nhà báo cần có trách nhiệm khi đưa tin, thông tin của nhà báo phải khác với thông tin trên mạng, thông tin báo chí cần chính xác, trung thực, có kiểm chứng. Đó là vai trò và trách nhiệm của nhà báo.
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra khuyến nghị về mối quan hệ giữa báo chí với mạng xã hội. Trong đó, báo chí cần thể hiện và chứng tỏ năng lực dẫn dắt dư luận bằng thông tin chuẩn xác nên quy trình sản xuất thông tin cần phải được đề cao.
Cần có bộ "Quy tắc ứng xử và tác nghiệp" cho nhóm cộng tác viên báo chí, nhà báo công dân đang hoạt động xã hội. Trong bộ quy tắc này nên đề cao tính pháp lý, đạo đức của người tham gia mạng xã hội, góp phần hạn chê tình trạng tự do của người này, không xâm phạm tự do của tổ chức, cá nhân khác./.