Mật ong bạc hà: Sản vật vừa quen vừa lạ từ cao nguyên đá Hà Giang

Cần mẫn như những con ong tìm mật, người nuôi ong từ nhiều địa phương tìm đến Hà Giang vào mùa hoa bạc hà để tìm được thứ mật thơm ngon, thuần khiết là mật ong bạc hà.
Mật ong bạc hà: Sản vật vừa quen vừa lạ từ cao nguyên đá Hà Giang ảnh 1Mật ong bạc hà là đặc sản cao nguyên đá Hà Giang. (Ảnh: Hoài Thu/Vietnam+)

Cần mẫn như những con ong tìm mật, người nuôi ong từ nhiều địa phương tìm lên Hà Giang vào mùa hoa bạc hà để tìm ra được thứ mật thơm ngon, thuần khiết là mật ong bạc hà.

Những chuyến di ong lên cao nguyên đá Hà Giang

Như bao loại mật ong khác, mật ong bạc hà được lấy từ tổ ong mật, sau khi ong cần mẫn hút nhụy hoa và tạo nên thứ mật vàng xanh, thơm dịu, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt hơn, mật ong bạc hà được chiết xuất từ những bông hoa tím ngắt của cây bạc hà ở vùng Đông Bắc Tổ quốc - vùng đất Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, chủ trang trại ong ở Khu ATK Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết: “Mật ong bạc hà là đặc sản Hà Giang và các vùng cao nguyên đá lân cận.”

Để có được thứ mật ong bạc hà sánh vàng, thơm ngọt thì ông Vinh phải di ong lên Hà Giang vào mùa Đông, khoảng thời gian hoa bạc hà nở rộ. Mùa hoa bạc hà bắt đầu khoảng cuối tháng Mười đến đầu tháng Một Âm lịch hằng năm, đó cũng là thời điểm nhiều cơ sở sản xuất mật ong tìm đến những vùng cao nguyên đá Tây Bắc.

Với lịch trình của mình, ông Vinh thường di ong vào tháng 12. Ông cho biết: “Vào mùa Đông, cây cối khô lại, không nở hoa. Chỉ ở Hà Giang mới có hoa bạc hà nở vào mùa lạnh ấy, nên phải di ong đi để không bị lỡ mất mùa thu hoạch mật ong”.

Nhiều nơi không có điều kiện di ong, người ta sẽ giữ ong sống qua mùa Đông bằng cách cho ong ăn đường kính. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể duy trì sự sống của đàn ong trong mùa không có hoa nở, mà không thể thu mật từ ong ăn đường kính.

Để di chuyển bầy ong 200 đàn đi khắp các vùng hoa, như lên Hà Giang vào mùa hoa bạc hà, ông Vinh đầu tư cho cơ sở của mình một chiếc xe tải. Vì hướng đến làm ăn lâu dài, ông cho rằng đầu tư cho phương tiện, thiết bị cũng là một khoảng đầu tư xứng đáng.

Đến mùa, cả vườn ong 200 đàn sẽ được xếp lên thùng xe, thực hiện chuyến di ong cùng người chủ cần mẫn đến vùng hoa trên cao nguyên đá.

Cách di ong vào mỗi mùa hoa giống với việc người dân du mục, thực hiện lối sống “du canh, du cư” – đi theo những vùng hoa nở để tìm mật. Khoảng thời gian một tháng thu mật ong bạc hà ở Hà Giang, ông Vinh dựng lán trại, đem theo đồ ăn đến sống giữa núi rừng cùng bầy ong.

Ông Vinh cho biết, nuôi ong lấy mật phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết thất thường, cây cối không nở hoa thì không có nguồn thức ăn cho ong. Người làm ong cũng phải có kinh nghiệm, mỗi lần di ong lại phải xem xét địa hình, hướng gió cho phù hợp với bầy ong mới có được năng suất cao.

Sau 15 ngày “tạm trú” ở đồng hoa, các đàn ong bắt đầu cho mật. Được biết, để tách chiết mật ong tại chỗ, ông mang theo máy quay ly tâm, đặt cầu ong vào quay cho mật chảy ra ngoài. Bằng cách này, ong không bị mất tổ sẽ cho mật liên tục, không như cách làm thủ công dỡ cả tổ, khi đó ong sẽ mất thời gian xây lại tổ, không thể liên tục cho mật.

Mật ong bạc hà: Sản vật vừa quen vừa lạ từ cao nguyên đá Hà Giang ảnh 2Ông Nguyễn Tiến Vinh giới thiệu các loại mật ong bạc hà với khách hàng. (Ảnh: Hoài Thu/Vietnam+)

Ông Vinh cho hay: “Mật ong bạc hà vốn là đặc sản Hà Giang, tuy nhiên người dân nơi đây ít nuôi ong, có nuôi cũng chỉ phục vụ gia đình hay buôn bán nhỏ lẻ. Người miền xuôi nuôi nhiều ong hơn, vào mùa không có hoa thì nghĩ ra cách di ong đi đến những vùng sâu xa hơn”.

Kiếm hàng trăm triệu từ mật ong

Mật ong bạc hà nguyên chất có thành phần chính là đường fructose, glucose, chứa nhiều vitamin và dưỡng chất như vitamin B1, vitamin A, sắt, phốt pho, magiê… Loại mật này có tác dụng làm đẹp da, bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm họng, hô hấp, ho lao, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, viêm loét dạ dày, đại tràng, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, mật ong bạc hà còn được ca ngợi về khả năng giảm cân do tinh chất của hoa bạc hà có tác dụng trong việc “đánh bay” chất béo dư thừa trong cơ thể.

Mặc dù sản lượng không nhiều, mỗi năm chỉ có một mùa khai thác nhưng hiện tại, trên thị trường đã bán rộng rãi loại mật ong này. Mỗi chai mật ong bạc hà 650ml có giá khoảng 220.000-250.000 đồng, cao hơn mật ong thường có giá chỉ 200.000 đồng với thể tích tương đương.

Người làm mật lâu năm thường dựa vào kinh nghiệm để phân biệt mật ong bạc hà thật với một số loại mật được người bán pha chế để che mắt người tiêu dùng. Ông Vinh cho biết mật ong bạc hà thật thường loãng hơn, có màu vàng nhạt ngả xanh, không vàng sậm như mật ong hỗn hợp bình thường. Trong quá trình bảo quản và sử dụng, mật ong bạc hà thật sẽ xuất hiện ga nổi li ti trong chai.

Bên cạnh đó, mật ong bạc hà có mùi hương đặc trưng của hoa bạc hà, dịu mát và vị ngọt thanh, không gây nóng khi sử dụng.

Mỗi mùa hoa bạc hà, nhiều người nuôi ong như ông cũng di ong để tìm mật. Ông Vinh chia sẻ: “Nếu yêu nghề, nói không ngoa có thể làm giàu từ ong. Mặc dù vất vả, rong ruổi rừng núi, sống giữa trời đất nhiều tháng theo đàn ong, nhưng mật ong đem lại nguồn kinh tế ổn định, lại duy trì lâu dài”.

Mỗi năm tranh thủ một mùa hoa bạc hà nở trên cao nguyên đá, người làm ong chiết mật bạc hà để dành bán cả năm. Chuyện di ong đã đảm bảo thu nhập cho người làm ong ngay cả mùa Đông lạnh giá.

Đến khoảng tháng Ba Âm lịch lịch lại là thời gian bắt đầu vụ sản xuất mật ong cho năm mới vì các loại cây nở hoa rất nhiều. Mùa này, hoa nhãn, hoa vải nở rộ, gia đình ông Vinh di ong sang vùng trồng nhãn, vải ở Bắc Giang để thu mật đến hết mùa.

Ông Vinh cho biết, vườn ong 200 đàn của gia đình ông có thể cho đến trên 30 tấn mật ong các loại mỗi năm, thu nhập từ mỗi tấn mật khoảng 150 triệu đồng. Tính ra, sau khi trừ tất cả chi phí, vườn ong mỗi năm cho thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng.

Riêng với mật ong bạc hà, mỗi chuyến di ong trong khoảng một tháng mỗi năm cho ra khoảng 9 tấn mật. Theo ông Vinh, đây là mức thu nhập ổn định đối với những cơ sở sản xuất mật ong quy mô không lớn.

Để phát triển thương hiệu mật ong bạc hà, ông Vinh đã tiếp cận người tiêu dùng bằng nhiều kênh: bán tại nhà, bán cho các đầu mối tiêu thụ mật ong lớn, tham gia các hội chợ tiêu dùng. Thương hiệu mật ong Thu Oanh của ông Vinh được nhiều người dân xung quanh tin tưởng vì tận mắt thấy ông nuôi ong lấy mật và một phần vì kinh nghiệm trong nghề thuốc đông y gia truyền của gia đình ông.

Dù quy mô sản xuất của ông gói gọn trong 200 đàn ong, tuy nhiên mật ong do ông sản xuất có được nguồn thu ổn định do là đối tác của các đối tác sản xuất mật ong công nghiệp. Ngoài phần mật ong thô bán trực tiếp cho các đầu mối thu mua, ông Vinh cũng tự sơ chế mật, đóng chai để bán thành phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục