Mất việc làm và giảm thu nhập do COVID-19 đang làm gia tăng nghèo đói

Tác động của việc mất việc làm và sụt giảm thu nhập do COVID-19 đang được cảm nhận sâu sắc nhất bởi người nghèo. Do có ít tích lũy nên chỉ bị mất thu nhập trong vài tháng cũng là thảm họa đối với họ.
Lao động di cư bán hàng rong để mưu sinh trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Lao động di cư bán hàng rong để mưu sinh trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đang khiến cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập do COVID-19 tác động mạnh hơn tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội. Thực trạng này là nguy cơ tăng thêm người nghèo mới hoặc tái nghèo. 

Giảm thu nhập khiến nghèo gia tăng

Chỉ riêng trong đợt dịch lần thứ 4 từ cuối tháng Tư đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trong lần hỗ trợ gạo thiếu đói lần này có cả những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Hơn 9 triệu người dân thiếu đói trong đợt dịch lần thứ 4 đã cho thấy phần nào bức tranh nghèo đói do COVID-19.

Xu hướng dịch chuyển ồ ạt từ thành thị về nông thôn vì mất việc làm cũng cho thấy nguy cơ tái nghèo và đói nghèo có thể gia tăng tại nhiều địa phương. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có khoảng 1,3 triệu người lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. So với quý 2 năm trước (quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16), mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều và trở thành mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết Việt Nam nằm trong số các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Tỷ lệ nghèo trên đầu người của Việt Nam (theo ngưỡng 5,5 USD/ ngày) dự báo tăng và Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có mức tăng cao nhất trên thế giới.

“Đánh giá nhanh của Viện khoa học xã hội Việt Nam gần đây cũng cho thấy tính đến tháng 7/2021, gần 64% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019),” bà Vũ Thị Quỳnh Hoa cho biết.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng nhận đinh đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cũng như các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề…

Tập trung vào nhóm có nguy cơ nghèo đói 

Các chuyên gia của UNDP cho rằng tác động của việc mất việc làm và sụt giảm thu nhập do COVID-19 đang được cảm nhận sâu sắc nhất bởi người nghèo. Họ vốn là người có biên độ an toàn nhỏ nhất nên chỉ bị mất thu nhập trong vài tháng cũng là thảm họa đối với họ. Nhiều người trong số này là lao động di cư, lao động phi chính thức, các hộ gia đình có nữ chủ hộ… Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của các chính sách hỗ trợ phải tập trung vào người dân và cộng đồng dễ rơi vào nghèo đói cùng cực do đại dịch. 

Mất việc làm và giảm thu nhập do COVID-19 đang làm gia tăng nghèo đói ảnh 1Trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong 2 năm qua, Việt Nam đã triển khai 2 gói hỗ trợ khẩn cấp cho người dân khó khăn do COVID-19. Tuy nhiên, do làn sóng COVID-19 có quy mô ngày càng lớn hơn, kéo dài hơn và có tác động mạnh hơn nên khảo sát mới nhất của Viện Khoa học-Lao động và Xã hội Việt Nam cho thấy gói hỗ trợ lần 2 chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19.

[Việt Nam cần "nỗ lực gấp bội" để đạt SDGs vào năm 2030]

Đối với các chính sách hỗ trợ khẩn cấp đang được triển khai, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa cho rằng trong khi các nước láng giềng trong khối ASEAN chi khoảng 5% GDP thì giá trị các gói cứu trợ của Việt Nam rất khiêm tốn cả về tổng giá trị và tỷ lệ khi so sánh với GDP. 

“Câu hỏi đặt ra đối với gói cứu trợ không chỉ là độ phủ mà còn là tác động, tính hiệu quả và tăng cường khả năng thích ứng với cú sốc khác trong tương lai của các gói cứu trợ,” bà Vũ Thị Quỳnh Hoa nói.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa chỉ ra 4 nhóm bị tác động nặng nề bởi COVID-19 nhưng chưa thuộc danh sách nhóm hỗ trợ của gói anh sinh xã hội lần 2 gồm: Người nhập cư không có đăng ký tạm trú, hộ gia đình kinh doanh nhỏ phi chính thức, người vô gia cư, người bị mất thu nhập do COVID-19 trước thời điểm ban hành quyết định giãn cách xã hội.

Để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch, hạn chế tình trạng tái nghèo, các chuyên gia cho rằng các chính sách cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài và đa chiều đối với nhóm nghèo và cận nghèo, các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng Bảy, mục tiêu tổng quát của trong giai đoạn mới cũng tập trung thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản vì thực chất khi một hộ gia đình có ít nhất một người có việc làm bền vững, có thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn rất nhiều. Chính vì thế, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phấn đấu hộ nghèo có ít nhất một người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, có thu nhập tốt, hướng tới việc làm bền vững giúp hộ đó thoát nghèo.

“Việc làm là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới. Để người nghèo có việc làm cần xử lý rất nhiều bài toán trong chương trình mục tiêu và trong cả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương,” ông Tô Đức nhấn mạnh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động. Theo đó, tập trung xây dựng các giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên.

Dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hủy hoại những tiến bộ đã đạt được trong hàng chục năm qua ở các lĩnh vực chống nghèo đói. Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) có thể bị gián đoạn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư… Để có thể duy trì được thành quả giảm nghèo sẽ cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ lâu dài về sinh kế và an sinh xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục