Việt Nam cần "nỗ lực gấp bội" để đạt SDGs vào năm 2030

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể làm đảo lộn các thành quả phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam cần nỗ lực huy động sự tham gia của các bên liên quan để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cần "nỗ lực gấp bội" để đạt SDGs vào năm 2030 ảnh 1Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đang là hướng phát triển bền vững giúp tôm Cà Mau nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Sáng 21/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quốc gia năm 2020 với sự tham dự của các bộ, ngành, cơ quan trong nước và quốc tế; các đại sứ quán và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số chuyên gia.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020 được xây dựng để đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm vừa qua và dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu đến năm 2030.

Báo cáo đã góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về SDGs và là một phần quan trọng trong chu trình giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự ủng hộ và tham gia, đóng góp tích cực từ các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Đồng thời là sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hanns Seidel, Cộng hòa Liên bang Đức.

Về tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs, theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có khả năng đạt được 5 trong số 17 mục tiêu SDGs đến năm 2030, bao gồm: mục tiêu về xóa nghèo, xóa đói, mục tiêu về giáo dục có chất lượng, mục tiêu về các hành động bảo vệ khí hậu, mục tiêu về quan hệ đối tác toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được 12 mục tiêu còn lại, đặc biệt là mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển.

[Nỗ lực vượt những thách thức lớn để xóa đói giảm nghèo bền vững]

Ông Lê Việt Anh nhấn mạnh, việc dự báo mức độ đạt được các mục tiêu vào năm 2030 dựa trên số liệu thống kê chính thức đến hết năm 2019, tức là trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra những tác động nặng nề đối với phát triển kinh tế-xã hội và có thể làm đảo lộn các thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua và thay đổi mọi dự báo.

Để duy trì thành quả đã đạt được, trong thời gian tới Việt Nam cần nỗ lực, biến thách thức thành hành động và cơ hội, tiếp tục huy động sự tham gia của các bên liên quan một cách tích cực và hiệu quả hơn để quyết tâm đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030.

Đại diện các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, đại sứ quán và các cơ quan Liên hợp quốc, các chuyên gia đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020.

Báo cáo sẽ là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và địa phương định hướng phương thức hành động. Đồng thời, là cơ sở để các đối tác phát triển đưa ra các định hướng chiến lược nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu SDGs trong thời gian tới đây.

Theo ông Michael Siegner, Trưởng đại diện, Viện Hanns Seidel tại Việt Nam, Báo cáo SDGs quốc gia 2020 được soạn thảo trong bối cảnh có nhiều thách thức trong quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của của dân số toàn cầu và cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chương trình phát triển bền vững.

Ông Michael Siegner hy vọng rằng, báo cáo ra mắt sẽ cung cấp cơ sở cho các cuộc thảo luận về các cách thức trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Việt Nam đã nỗ lực trong việc thu hẹp khoảng cách và hướng tới các mục tiêu năm 2030. Việt Nam cũng tiến bộ đều đặn trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững.

Việt Nam cần "nỗ lực gấp bội" để đạt SDGs vào năm 2030 ảnh 2Chương trình tái canh càphê gắn với phát triển bền vững tại tỉnh Đắk Lắk đã cho thấy nhiều hiệu quả. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong năm 2020, Việt Nam xếp thứ 46 trong số 166 quốc gia về chỉ số phát triển bền vững. Đại dịch COVID-19 gây thêm trở ngại cho việc thực hiện SDGs, làm giảm tốc độ tiến độ và làm trầm trọng thêm các thách thức đối với các mục tiêu.

Năm 2020, dịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của mục tiêu xóa nghèo, xóa đói, bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; mục tiêu giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế và việc làm tốt, bất bình đẳng xã hội. Bên cạnh đó, các mục tiêu cũng sẽ chịu tác động của COVID-19 về lâu dài.

Ông Michael Siegner cho rằng, nỗ lực của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ phải tăng lên gấp bội để đưa đất nước trở lại đúng hướng, nhằm đạt các mục tiêu vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục