Mexico và Canada lạc quan về việc sớm đạt được NAFTA sửa đổi

Các Bộ trưởng Tài chính của Mexico và Canada bày tỏ sự lạc quan về quá trình tái đàm phán NAFTA với Mỹ, ngay cả khi căng thẳng thương mại do việc áp thuế của Mỹ gây ra đã chi phối hội nghị G20.
Mexico và Canada lạc quan về việc sớm đạt được NAFTA sửa đổi ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (giữa) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các Bộ trưởng Tài chính của Mexico và Canada đã bày tỏ sự lạc quan về quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ, ngay cả khi căng thẳng thương mại do việc áp thuế của Mỹ gây ra đã chi phối hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Argentina trong hai ngày qua.

Trả lời phỏng vấn ngày 22/7, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio Gonzalez Anaya cho biết, vẫn còn một số vấn đề của NAFTA chưa được khép lại, song việc tái đàm phán có thể được hoàn tất trước khi ông Andres Manuel Lopez Obrador nhậm chức Tổng thống Mexico vào ngày 1/12 tới.


[Vòng tái đàm phán NAFTA mới sẽ tiếp tục trong vài tuần tới]

Bộ trưởng Gonzalez Anaya nhận định: "Có khả năng chúng tôi đạt được một số thỏa thuận."

Ông cho biết đã thảo luận về việc đổi mới hiệp định NAFTA với người đồng cấp Canada Bill Morneau.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau cho hay ông cảm nhận được "sự lạc quan" từ người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin về việc xúc tiến NAFTA.

Sau khi hội nghị bộ trưởng tài chính G20 kết thúc, Bộ trưởng Mnuchin đã bày tỏ hy vọng tại một cuộc họp báo rằng sẽ đạt được thỏa thuận về NAFTA trong tương lai gần.

Ngoài ra, quan chức Mỹ cũng đã đảm bảo với người đồng cấp Canada rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nỗ lực duy trì một thỏa thuận ba bên bất chấp đề nghị của ông Trump triển khai các thỏa thuận song phương riêng rẽ.

Theo ông Morneau, chính sự thay đổi của Mexico đã mang lại cơ hội tái khởi động các cuộc đàm phán. Quan chức này nhấn mạnh sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận trong những tháng tới. Ông cũng nêu rõ sẽ tới Mexico vào tuần tới để gặp gỡ với chính quyền mới tại Mexico.

Trước đó, Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton đã thông báo vòng tái đàm phán NAFTA mới sẽ tiếp tục trong vài tuần tới, cho biết một thỏa thuận mới về ôtô có thể "mở khóa" cho các cuộc tái đàm phán vốn bị dừng lại từ cuối tháng 5 vừa qua.

Đại sứ MacNaughton nhận định từ quan điểm của Mỹ, vấn đề với NAFTA là thâm hụt thương mại lớn, trong đó, thâm hụt thương mại lớn nhất là trong ngành ôtô và liên quan đến Mexico.

Hiện Mexico đã sẵn sàng nhượng bộ, chấp nhận tăng đáng kể các tiêu chuẩn lao động và tiền lương cho công nhân trong lĩnh vực ôtô - vấn đề mà cả Canada và Mỹ đang thúc đẩy.

Theo Đại sứ Canada tại Mỹ, vấn đề lớn nhất của NAFTA hiện nay chỉ còn là “điều khoản hoàng hôn.”

"Điều khoản hoàng hôn" do phía Mỹ đề xuất yêu cầu cả ba nước cứ năm năm một lần đàm phán lại hiệp ước thương mại, nếu không, thỏa thuận sẽ tự động hết hạn. Chính vì điều khoản này, cùng với một số quy định liên quan đến xuất xứ ôtô, mà sau 7 vòng đàm phán giữa Mỹ, Canada và Mexico vẫn còn nhiều bất đồng.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi NAFTA vốn đã tồn tại hơn 20 năm trước khi chính thức yêu cầu đàm phán sửa đổi và nâng cấp nội dung hiệp định.

Dù các quan chức tham gia đàm phán đã nỗ lực để đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mexico ngày 1/7, nhưng những yêu cầu "khó" của phía Mỹ như tăng số lượng ôtô thuộc diện miễn thuế đã cản trở đáng kể tiến trình này.

Hoạt động đàm phán càng thêm bế tắc sau khi Mỹ tuyên bố áp dụng các biện pháp áp thuế nhập khẩu nhôm và thép mới với nhiều đối tác thương mại, trong đó có cả Canada và Mexico, và vấp phải những biện pháp đáp trả của các nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục