Bài 5: Du lịch được ‘cởi trói’ có thể rút ngắn những ‘bước đi dài’?

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững

Mở cửa du lịch quốc tế, doanh nghiệp lưu trú phấn khởi, nhưng nhìn lại mới thấy còn bộn bề việc cần làm. Dẫu vậy, trên hành trình đó, họ không "cô đơn" vì có sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ.
Chặng đường phục hồi du lịch nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thực tế triển khai và nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương thời gian tới.(Ảnh minh họa)

Bài 5: Du lịch được ‘cởi trói’ liệu có thể giúp rút ngắn những ‘bước đi dài?

“Cột mốc 15/3” vừa qua khiến cho những người làm du lịch “thở phào.” Không chỉ dừng ở mở cửa nền kinh tế xanh, mà bản chất là Việt Nam đã chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế như trước khi có đại dịch, nhưng kèm theo một số giải pháp với tinh thần quản lý, kiểm soát rủi ro và bảo đảm an toàn cho tất cả.

Mặc dù mọi chính sách của Chính phủ, quy định của các bộ, ngành đã thông thoáng hơn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể vận hành lại guồng máy, song vẫn còn đó nhiều khó khăn gặp phải trong thực tế triển khai.

Những “ổ gà” trên đường phục hồi

Du lịch có cộng đồng hơn 40.000 doanh nghiệp, hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), hai năm COVID-19 đã khiến cho 95% doanh nghiệp lữ hành và gần 50% doanh nghiệp khách sạn đóng cửa, các doanh nghiệp hàng không chịu đựng tổn thất nặng nề.

[Các địa phương sẽ làm gì để khẳng định lại vị thế du lịch Việt Nam?]

Chính vì thế, với các doanh nghiệp, thời điểm này “được mở cửa du lịch đã là vui mừng rồi,” dẫu tất cả đều hiểu một thực tế không phải cứ mở cửa là có khách ngay. Đặc biệt, thị trường quốc tế cần thời gian khá dài để các đơn vị làm thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… mới có thể kết nối đưa khách đến Việt Nam.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Giám đốc Công ty du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam cho hay: “Hiện chúng tôi đang rất lo lắng về yêu cầu khách trước khi bắt đầu tour ở Việt Nam phải cài đặt PC-covid khai báo y tế, bởi phần mềm này chưa có bản tiếng Anh.”

Du khách sẽ sử dụng app PC-covid để khai báo khi nhập cảnh Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN)

“Điều đáng nói, khách muốn sử dụng app cần phải truy cập bằng số điện thoại Việt Nam mới nhận được mã đăng ký hoặc trường hợp có truy cập bằng số điện thoại quốc tế chăng nữa thì không phải khách nào cũng dùng dịch vụ roaming tự động. Do đó, hiện vấn đề kê khai bằng PC-covid đang rất vướng mắc cho khách quốc tế đến Việt Nam. Việc này vô hình chung tạo ra một rào cản mới.” 

Qua hai năm sóng gió cùng đại dịch, hầu hết các dịch vụ song hành với du lịch đều đã đóng cửa, chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc xuống cấp nên trước khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp du lịch phải đi kiểm tra dịch vụ ở các địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp mới xác định thị trường nào khôi phục trước để xây dựng lại tour và kết nối tuyến đồng thời gửi chương trình cho đối tác...

Đó là chưa kể, nguồn nhân lực là điều vô cùng khó khăn với tất cả doanh nghiệp hiện nay do sự dịch chuyển nhân sự sang các ngành nghề khác. Do đó, theo lãnh đạo Hội du lịch Cộng đồng Việt Nam, muốn tái vận hành giai đoạn này, các đơn vị đã phải cố gắng giữ bộ máy nòng cốt, số còn lại như hướng dẫn viên hay người chạy sự kiện sẽ dùng các bạn sinh viên mới ra trường để tạm thời giải quyết bài toán nhân sự.

Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam), với hơn 30.000 cơ sở lưu trú, 650.000 phòng, song công suất sử dụng hiện rất thấp, có những khách sạn chỉ đạt 5%-15%.

Xu hướng du lịch sẽ có nhiều thay đổi hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)

Mở cửa du lịch quốc tế, doanh nghiệp lưu trú phấn khởi đấy, nhưng nhìn lại mới thấy còn bộn bề việc cần làm sau thời gian dài đóng cửa như cần có thời gian để thu hút, đào tạo lại nguồn nhân lực đã dịch chuyển sang các ngành nghề khác; tu sửa, chỉnh trang lại cơ sở hạ tầng. Đây được ví như những “ổ gà” trên lộ trình “nối những bờ vui” của chặng đường phục hồi du lịch Việt.

Đồng hành để "con đường" trơn tru

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện trong giai đoạn mới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã cho thấy sự đồng hành và tạo điều kiện bằng những chính sách ngày càng cởi mở.

Cụ thể, truyền thông thế giới đang đánh giá cao nỗ lực mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam nhờ việc áp dụng điều kiện nhập cảnh đơn giản nhất trong số các nước ở khu vực Đông Nam Ácũng như khôi phục chương trình miễn thị thực cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Italy... như thời điểm trước 2020; mở lại trang web E-visa (thị thực điện tử), cho phép công dân từ 80 quốc gia có thể nộp đơn xin thị thực du lịch 30 ngày (nhập cảnh một lần)...

Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam.” (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay trở lại ngành, hỗ trợ đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu sau khi mở cửa. Trước đó, trong năm 2021, doanh nghiệp du lịch cũng được hỗ trợ miễn, giảm tới 80% nhiều loại thuế, phí; đội ngũ hướng dẫn viên nhận được hỗ trợ thất nghiệp…

Về dài hạn, lãnh đạo cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch; tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương...

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao cho hay bộ này đã và đang hỗ trợ quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam ra nước ngoài và hỗ trợ kết nối du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Du khách quốc tế sẽ sớm trở lại với Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

“Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả. Chúng tôi cũng tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch ở các nước giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin mở cửa du lịch ở nước ta với người dân các quốc gia trên thế giới, tích cực triển khai quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam,” bà Hằng khẳng định.

Như vậy, với sự đồng hành và hỗ trợ sát sườn của Chính phủ, các cấp bộ, ngành, du lịch Việt Nam sau khi được “cởi trói” đang có nhiều cơ hội phục hồi và cạnh tranh với các nước. Dẫu vậy, chặng đường phục hồi là nhanh hay chậm, ngắn hay dài còn phụ thuộc vào thực tế triển khai và nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương thời gian tới.

Clip giới thiệu cảnh quan tươi đẹp Việt Nam:

Bài 1: Xu hướng du lịch giai đoạn ‘mở cửa phục hồi’ 2022 sẽ thế nào?

Bài 2: ‘Phát súng thí điểm' sẽ mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt

Bài 3: Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp vẫn rối bời và 'nín thở' chờ hướng dẫn

Bài 4: Các địa phương sẽ làm gì để khẳng định lại vị thế du lịch Việt Nam?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục