Bài 2:‘Phát súng thí điểm' mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững

Nền kinh tế xanh Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn phục hồi từ ngày 15/3, sau giai đoạn thí điểm được đánh giá có nhiều khả quan. Vậy cần những hành động, giải pháp cụ thể nào cho giai đoạn mới?
‘Phát súng’ thí điểm đón khách quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra chặng đường phục hồi mới cho du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
‘Phát súng’ thí điểm đón khách quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra chặng đường phục hồi mới cho du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bài 2: ‘Phát súng thí điểm' sẽ mở ra chặng đường phục hồi cho du lịch Việt

Trên lộ trình phục hồi nền kinh tế xanh, Việt Nam đã thực hiện chương trình thí điểm mở cửa đón khách quốc tế giai đoạn đầu theo hình thức hộ chiếu vaccine từ tháng 11/2021 đến 23/1/2022.

Kết quả, có khoảng 9.000 khách du lịch quốc tế (từ Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ và Canada...) đã đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa và Quảng Nam.

Tuy con số còn khiêm tốn và không đạt được như kỳ vọng nhưng “phát súng” đầu tiên cũng là tín hiệu lạc quan để ngành “công nghiệp không khói” sớm trở lại bình thường từ ngày 15/3, khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn du lịch. Không chỉ vậy, giai đoạn thí điểm còn để lại những bài học giúp toàn ngành có thêm kinh nghiệm và chuẩn bị giải pháp cho chặng đường phục hồi mới mạnh mẽ hơn.

Điểm mặt những “nút thắt”

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn thí điểm Khánh Hòa là địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất với 7.000 lượt, theo sau là Phú Quốc 1.282 khách và Quảng Nam 239 khách; đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 82 cơ sở lưu trú du lịch, 28 khu/điểm tham quan vui chơi giải trí/dịch vụ, 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách.

[Mở cửa du lịch: 'Siết' khách quốc tế vào VN liệu có 'lợi bất cập hại'?]

Mặc dù trong quá trình triển khai chương trình có 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng hầu hết đều không có triệu chứng và đều được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả âm tính sau 3-5 ngày (chỉ có một trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế ở Rạch Giá, Kiên Giang).

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 1Du khách quốc tế đã có nhiều trải nghiệm thú vị ngày trở lại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: CTV/Vietnam+)

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đánh giá khách du lịch quốc tế đến đều có phản hồi tích cực về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch cũng như biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Có thể nói, kết quả bước đầu đã khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của du lịch Việt cũng như là bước đệm vững chắc để toàn ngành chuẩn bị các điều kiện hướng tới mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch từ ngày 15/3.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của giai đoạn một. Trong đó, việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp visa nhập cảnh đối với du khách quốc tế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi kết nối, thu hút du khách từ những thị trường trọng điểm vốn được miễn thị thực; sức hấp dẫn của Việt Nam suy giảm trong bối cảnh nhiều nước láng giềng áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, chương trình thí điểm hạn chế thu hút du khách nghỉ dài ngày (do khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia những chương trình du lịch trọn gói tại các điểm được chỉ định sẵn với thời gian tối thiểu 7 ngày), trong khi khách lại muốn tự do di chuyển, lựa chọn dịch vụ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh. Du khách cũng chỉ có thể nhập cảnh qua đường hàng không trên những chuyến bay thuê bao.

Về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch nhận định: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính làm hạn chế du khách đến là các biện pháp cách ly chặt chẽ trong giai đoạn thí điểm và chính sách visa thiếu thông thoáng hơn trước đây.”

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 2Khách quốc tế thăm quan di tích Việt. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

“Ngoài ra, vấn đề marketing, việc thực hiện thủ tục ở một số địa phương, điểm đến còn chưa thống nhất dẫn đến khách du lịch hạn chế vì họ cảm thấy chưa yên tâm; bản thân các đơn vị lữ hành cũng chưa yên tâm khi đưa ra các chương trình chào đón du khách,” ông nói.

Giải pháp nào cho mở cửa hoàn toàn?

Trước những khó khăn và hạn chế của giai đoạn thí điểm, các chuyên gia cho rằng việc làm rất cấp thiết bây giờ, thậm chí ngay trong giai đoạn thí điểm đã phải làm, là cần khôi phục ngay chính sách miễn visa đang tạm dừng từ năm 2020. Trước khi dịch bệnh xảy ra Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Khi Chính phủ chính thức cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022 thì không có lý do gì để trì hoãn thêm việc thực thi chính sách miễn visa đơn phương. Bởi, các nước trong khu vực, đặc biệt là các “đối thủ” cạnh tranh họ áp dụng điều này ngay khi đón khách trở lại. Chúng tôi cũng nghị cần xem xét để tiếp tục mở rộng miễn thị thực tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng khác để thúc đẩy họ tới Việt Nam,” tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho rằng việc khẩn cấp nhất trong ngắn hạn tới đây là phục hồi nguồn nhân lực lao động ngành du lịch: “Chúng ta không thể có dịch vụ tốt nếu không có nguồn nhân lực có chất lượng, năng lực và yêu nghề. Giờ phải đào tạo lại, đưa họ trở về với công việc, giúp họ ổn định khi tương lai còn chưa sáng sủa. Vì cội rễ của du lịch chính là con người.”

Ngoài ra, theo ông Hà, trong giai đoạn mới cần nhận diện lại thương hiệu du lịch Việt, xác định được điểm mạnh của du lịch nước nhà, chọn ra được sản phẩm nào đặc trưng riêng có để du khách nghĩ tới là muốn đi Việt Nam. Đơn cử như “trải nghiệm ngủ đêm trên du thuyền giữa kỳ quan thế giới” chỉ có ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao du khách chọn đến Việt Nam thay vì Thái Land, Malaysia, Indonesia.

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 3“Trải nghiệm ngủ đêm trên du thuyền giữa kỳ quan thế giới” chỉ có ở Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Làm mới lại mình, xác định lại chân dung khách hàng mục tiêu, nguồn khách để có chiến lược tiếp thị hiệu quả. Marketing hiệu quả trên môi trường số, khách hàng ở đâu thì marketing ở đó. Trong nước cần truyền thông nhận thức của du khách và xã hội đối với nghành du lịch. Mỗi người dân yêu di sản văn hóa đất nước mình bằng niềm tự hào và giới thiệu tới du khách như một đại sứ du lịch…,” ông Hà đề xuất.

Đồng quan điểm với ông Phạm Hà, tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh cho rằng Việt Nam phải tạo được nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới của thị trường. Bên cạnh đó, theo ông Tuấn Anh, một giải pháp rất quan trọng là tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở cả trong nước và ngoài nước để tăng cường quảng bá thương hiệu, hình ảnh của du lịch Việt Nam, chứng minh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện.

Từ ngày 15/3 Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch không có nghĩa ngay lập tức sẽ có nhiều du khách quốc tế bởi họ cần có thời gian để lên lịch trình và chuẩn bị. Trong thời gian đó, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể chính thức và cơ chế, chủ trương thống nhất để du lịch có thể sớm cất cánh.

Kế hoạch cụ thể và hướng dẫn chi tiết có càng sớm càng giúp tiết kiệm chi phí marketing, truyền thông và cũng là cách để nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, nếu không sẽ không chỉ lãng phí nỗ lực chuẩn bị từ nhiều tháng qua mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới 2,5 triệu lao động trong nền kinh tế xanh đồng thời mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay có nguy cơ cũng chỉ là một kế hoạch “trên bàn giấy.”./.

Mở cửa du lịch Việt Nam: Gỡ khó để lộ trình phục hồi bền vững ảnh 4Ngày vui sẽ sớm trở lại với du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thế giới mở cửa du lịch:

Bali miễn cách ly nhập cảnh từ 14/3

Indonesia sẽ thử nghiệm chương trình miễn cách ly du khách quốc tế đến Bali từ 14/3 (có thể sớm hơn nếu số ca lây nhiễm giảm). Nếu thử nghiệm thành công, nước này sẽ mở cửa toàn bộ để đón khách mà không cần cách ly từ tháng Tư.

Dù vậy, khách quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn cần tuân thủ một số yêu cầu như: xuất trình bằng chứng thanh toán tiền phòng khách sạn; xét nghiệm PCR tại sân bay và đợi kết quả tại khách sạn. Nếu âm tính, du khách vẫn phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh.

Nhật Bản tiếp tục nới lỏng kiểm soát

Cũng từ ngày 14/3, sẽ có 7.000 người được phép nhập cảnh Nhật Bản mỗi ngày thay vì 5.000 người như hiện nay (ưu tiên cho các sinh viên nước ngoài).

Dù nới lỏng kiểm soát biên giới nhưng ở trong nước, chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng khi quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 2 tuần ở 18/31 tỉnh, thành phố.

Châu Âu mở cửa thông thoáng

Từ ngày 1/3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm 2 mũi vaccine (mũi thứ 2 cách ngày nhập cảnh ít nhất 14 ngày và không quá 270 ngày).

Người đã tiêm quá 9 tháng phải tiêm mũi tăng cường. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận.

Bài 1: Xu hướng du lịch giai đoạn ‘mở cửa phục hồi’ 2022 sẽ thế nào?

Bài 3: Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp vẫn rối bời và 'nín thở' chờ hướng dẫn

Bài 4: Các địa phương sẽ làm gì để khẳng định lại vị thế du lịch Việt Nam?

Bài 5: Du lịch được ‘cởi trói’ liệu có thể giúp rút ngắn những ‘bước đi dài?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục