Mời Australia tập trận Malabar, Ấn Độ sẽ 'chọc giận' Trung Quốc?

Chuyên gia Rajagoplan cho rằng sau các cuộc đối đầu tại Galwan, giới tinh hoa của New Delhi ngày càng khẳng định rằng khó có thể tin cậy Trung Quốc.
Mời Australia tập trận Malabar, Ấn Độ sẽ 'chọc giận' Trung Quốc? ảnh 1Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại Gagangir, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ngày 17/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Bloomberg.com, Ấn Độ có kế hoạch mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar, vốn từ trước đến nay chỉ bao gồm Nhật Bản và Mỹ. Động thái này của New Delhi có nguy cơ chọc giận Trung Quốc.

Quyết định mời Australia tham gia cuộc tập trận này được nhen nhóm trong bối cảnh Bắc Kinh và New Delhi đang vướng vào những căng thẳng biên giới tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua.

Nếu quyết định này được thực hiện, lần đầu tiên tất cả các thành viên của một nhóm khu vực được biết đến với tên gọi "Bộ Tứ" sẽ hợp tác ở cấp độ quân sự.

Theo giới chức cấp cao giấu tên của Ấn Độ, các lực lượng hải quân của Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar tại Vịnh Bengal vào cuối năm 2020.

Các nguồn tin giấu tên này cũng cho biết New Delhi dự định sẽ gửi lời mời chính thức đến Canberra vào tuần tới, sau khi chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng và sau khi tham vấn với Mỹ và Nhật Bản.

Theo Derek Grossman, chuyên gia nghiên cứu tại Tập đoàn RAND có trụ sở ở Washington và từng làm việc trong cộng đồng tình báo Mỹ trong hơn 10 năm, thời điểm Ấn Độ mời Australia tham gia cuộc tập trận này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chuyên gia này nói: “Điều này sẽ phát đi một thông điệp quan trọng đến Trung Quốc rằng Bộ Tứ - gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân chung trên thực tế, ngay cả khi không được triển khai về mặt kỹ thuật dưới sự bảo trợ của một sự kiện của nhóm Bộ Tứ."

Trong một thông báo qua thư điện tử ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia nói rằng mặc dù Canberra chưa nhận được lời mời tham gia cuộc tập trận Malabar, song “Australia đánh giá cao việc tham gia các hoạt động phòng thủ của nhóm Bộ Tứ nhằm tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến và thúc đẩy những lợi ích chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng."

Lâu nay, Bắc Kinh vẫn thường cảm thấy khó chịu đối với liên minh không chính thức bao gồm 4 nước dân chủ này, vốn được hình thành lần đầu tiên hồi năm 2004 để hỗ trợ các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần và nhóm này đã được làm hồi sinh năm 2017.

Tăng cường quan hệ

 Mặc dù các cuộc tập trận Malabar diễn ra lâu nay giữa hải quân Mỹ và hải quân Ấn Độ được bắt đầu từ năm 1992, song các cuộc tập trận thường niên này được tiến hành thường xuyên hơn kể từ năm 2004 với sự tham gia của các quốc gia châu Á khác.

Lần duy nhất Trung Quốc phản đối việc Australia tham gia cuộc tập trận này với Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Singapore là vào năm 2007. Việc Ấn Độ mời Australia tham gia tập trận năm nay diễn ra sau khi hai nước ký một thỏa thuận quốc phòng và nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần song phương được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố hồi tháng 5/2020 cho phép hai bên tiếp cận các hải cảng và căn cứ quân sự của nhau. New Delhi cũng có thỏa thuận tương tự với Mỹ.

Theo Biren Nanda, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại cơ quan nghiên cứu Delhi Policy Group, việc Canberra tham gia cuộc tập trận này “chỉ là vấn đề thời gian” trong bối cảnh quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa Ấn Độ và Australia ngày càng cải thiện.

[Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí tiếp tục xoa dịu căng thẳng ở biên giới]

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, chuyên gia Nanda nói: “Không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa việc mời Australia tham gia tập trận và những gì đang xảy ra tại khu vực biên giới Trung-Ấn. Đây là một tiến trình tự nhiên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ nhìn nhận việc này như thế nào? Có thể họ sẽ phản ứng tiêu cực giống như họ từng làm trước đây."

Bộ Tứ trở thành vũ khí

Trung Quốc phản đối sự tham gia của Nhật Bản trong cuộc tập trận thường niên Malabar giữa Mỹ và Ấn Độ hồi năm 2015 với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó là Hồng Lỗi cảnh báo “các nước liên quan” không được “kích động đối đầu và gây căng thẳng” trong khu vực.

Năm năm sau, nếu Australia tham gia cuộc tập trận vào cuối năm 2020 này, chuyên gia Nanda cho rằng một Bắc Kinh quyết đoán đang gây sức ép đối với các nước láng giềng ở tất cả các vùng biển châu Á sẽ có phản ứng tương tự.

Tuy nhiên, Rajeswari Pillai Rajagoplan - chuyên gia kỳ cựu tại cơ quan nghiên cứu Observer Research Foundation có trụ sở tại New Delhi - cho rằng việc Australia tham gia tập trận Malabar có thể được chấp nhận nhiều hơn khi đưa ra lý do rằng các “nước dân chủ có chung chí hướng tìm cách duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” giữa lúc quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh nhanh chóng xấu đi.

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đang trong quá trình rút lui khỏi khu vực biên giới không được đánh dấu dài khoảng 3.488km ở khu vực dãy Himalaya sau các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao cấp cao, song các cuộc đụng độ gây thương vong diễn ra sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng tại thung lũng Galwan là một cú đòn đau đối với mối quan hệ giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Chuyên gia Rajagoplan cho rằng sau các cuộc đối đầu tại Galwan, giới tinh hoa của New Delhi ngày càng khẳng định rằng khó có thể tin cậy Trung Quốc.

Với việc Washington phát tín hiệu sẵn sàng hậu thuẫn khu vực thông qua việc tăng cường triển khai lực lượng ở châu Á, các cuộc tập trận Malabar có thể có ý nghĩa quan trọng hơn.

Chuyên gia Rajagoplan giải thích: “Nhóm Bộ Tứ lâu nay luôn là một nền tảng an ninh song không có môi trường quân sự cho nền tảng này. Các cuộc tập trận Malabar có thể đem lại môi trường quân sự cho nhóm này do Trung Quốc tăng cường đe dọa an ninh khu vực”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục