Mỗi đơn vị vận tải sẽ là điểm sáng về đảm bảo an toàn giao thông

Theo đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, việc triển khai các hoạt động an toàn giao thông cần có nguồn kinh phí mới thực hiện và tổ chức xã hội hóa đảm bảo an toàn giao thông.
Các đại biểu ký kết Chương trình phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2019-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các đại biểu ký kết Chương trình phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2019-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để xã hội hóa công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Đây là nội dung chính tại lễ ký kết Chương trình phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2019-2020 giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Hiệp hội An toàn giao thông Việt Nam và Công ty Cổ phần Be Group vào chiều nay (ngày 8/5).

Theo nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác của các bên, Công ty Cổ phần Be Group cam kết hỗ trợ và phối hợp thực hiện các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông như tặng 10.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn, cho đối tượng trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn; Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về an toàn giao thông liên quan đến xe máy, xe đạp điện; Tập huấn công tác quản lý Nhà nước về an toàn giao thông tại các địa phương…

Đánh giá cao sự phối hợp giữa các bên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Chương trình phối hợp sẽ được triển khai hiệu quả với những nội dung thiết thực, ý nghĩa và sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, đặc biệt sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị rất quan trọng đó là kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại nước ta.”

Theo ông Hùng, mỗi năm trên thế giới có 1,3 triệu người chết, số liệu báo cáo đầy đủ từ lực lượng Công an tại Việt Nam số người chết là 8.248 người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự tính, tai nạn giao thông ở nước ta gây thiệt hại 2,5% GDP/năm (mỗi ngày 300-500 tỷ đồng).

Nhấn mạnh bốn tháng đầu năm tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí, ông Hùng cho rằng, ứng dụng gọi xe Be lấy an toàn giao thông là tối thượng trong hoạt động; phổ biến kiến thức kỹ năng, xây dựng văn hóa cho mỗi người lái xe. Mỗi đơn vị vận tải là điểm sáng về an toàn giao thông.

[Thêm ứng dụng gọi xe công nghệ Việt cạnh tranh ‘gã khổng lồ’ Grab]

“Be là đơn vị đầu tiên sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn chiếm 3/4 diện tích phần đầu của người tham giao giao thông. Mô hình an toàn từ Be cần được nhân rộng vì các nước xây dựng văn hóa an toàn từ chính các doanh nghiệp, cơ quan và lan tỏa tới cộng đồng, xã hội,” ông Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, trong những năm vừa qua, đưa ra nhiều chương trình có ý nghĩa để toàn hệ thống chính trị và xã hội nâng cao ý thức người tham gia giao thông, đưa ra giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nhìn nhận việc triển khai các hoạt động an toàn giao thông cần có nguồn kinh phí mới thực hiện và tổ chức xã hội hóa đảm bảo an toàn giao thông, ông Trường cho rằng, ngoài các văn bản Luật thì việc tổ chức thực thi các bộ Luật đó hết sức quan trọng thông qua các giải pháp tuyên truyền, các đợt ra quân cao điểm nhưng để đảm bảo an toàn giao thông bền vững đó là tổ chức các hoạt động hàng ngày để tác động ý thức người tham gia giao thông./.

Be là một công ty công nghệ Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực Vận tải với Ứng dụng gọi xe Be cung cấp hai dịch vụ chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh). Trong thời gian tới, trên nền tảng Ứng dụng gọi xe “be”, Be Group sẽ phát triển thêm dịch vụ giao hàng, chương trình khách hàng thân thiết, ví điện tử...

Tính đến nay, ứng dụng gọi xe Be đã có mặt tại 6 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Cần Thơ sau hơn 5 tháng hoạt động chính thức. Theo kế hoạch, Be sẽ tiếp tục mở rộng tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục