Mối liên kết địa chính trị của các cường quốc chống Mỹ

Iran, Trung Quốc và Nga - 3 cường quốc chống Mỹ- đều có chung một mục tiêu đó là tìm cách phá hủy trật tự Á-Âu do Mỹ hậu thuẫn, thay thế nó bằng một hệ thống phù hợp với lợi ích chính trị của họ.
Mối liên kết địa chính trị của các cường quốc chống Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như rất muốn tham gia trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - hay còn gọi là “Thỏa thuận hạt nhân Iran” - mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã dày công dựng lên, theo đó nhằm đảm bảo rằng Iran sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân.

Thực tế là chính quyền Biden đã kiên quyết theo đuổi thỏa thuận “hão huyền” này dù phải đối mặt với những bằng chứng chiến lược không thể phủ nhận về sự thù địch và sự phối hợp của Iran với Trung Quốc và Nga.

Điều này cho thấy phương pháp suy luận chiến lược hiện tại của Nhà Trắng là không phù hợp với tình hình thực tế ở Trung Đông.

Bằng cách theo đuổi một “chính sách Trung Đông tai hại,” chính quyền ông Biden trực tiếp rơi vào tay của Trung Quốc và Nga. Chính quyền đã nhanh chóng thay đổi các mục tiêu chính sách đối ngoại kể từ tháng 1/2021.

Sau nhiều nỗ lực và sự phản kháng rõ ràng từ giới lãnh đạo quân sự không thích xung đột, Mỹ dường như đã từ bỏ cách tiếp cận hòa giải với Trung Quốc. Để trừng phạt chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc đã hủy các dự án hợp tác về biến đổi khí hậu của Ngoại trưởng John Kerry.

Ở châu Âu, Tổng thống Biden bắt đầu bằng cách tìm kiếm một “sự cài đặt lại” khác đối với nước Nga. Cuộc xung đột Ukraine-Nga đã thuyết phục tổng thống Mỹ rằng cần phải có một chính sách mạnh mẽ hơn. Tổng thống Biden, và một lần nữa là nhân tố của giới lãnh đạo quân sự Mỹ, đã liên tục né tránh đối đầu trực tiếp với Nga.

[Mỹ chưa hài lòng về phản hồi của Iran về việc khôi phục JCPOA]

Tuy nhiên, Mỹ đã từng bước mở rộng các loại vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine. Tại thời điểm này, máy bay chiến đấu gần như là khả năng duy nhất mà Mỹ từ chối cung cấp.

Ukraine hiện được trang bị pháo cao xạ, đạn dẫn đường chính xác, dàn phóng hỏa tiễn tầm xa và tên lửa chống bức xạ của Mỹ. Hiện tại, Ukraine đã thể hiện ý chí chiến đấu của mình và chính quyền ông Biden dường như cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi cuộc xung đột kết thúc.

Những thay đổi chính sách này thể hiện các giả định chiến lược đã được điều chỉnh đối với các bên tham gia quốc tế lớn, lợi ích, mối quan hệ và chính trị của họ định hướng cho việc hoạch định chính sách.

Giả định chiến lược của chính quyền ông Biden đối với Nga giờ đây không thể thay đổi được. Kinh nghiệm chiến lược của chính quyền của ông Biden đối với Trung Quốc đang thay đổi - việc Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Đài Loan, cùng với việc gây áp lực chính trị của quốc hội Mỹ, có khả năng củng cố một chính sách quyết đoán, thay vì thích nghi, của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự hiểu biết của chính quyền ông Biden về Trung Đông vẫn còn “kém” như dưới thời chính quyền Obama. “Điểm mù trí tuệ” của chính quyền của ông Biden được thể hiện ở chỗ Nhà Trắng thiếu hiểu biết cơ bản về mối đe dọa mà Mỹ hiện đang đối mặt và một lần nữa khiến Mỹ phải nhượng bộ Iran. 

Chiến lược kỳ lạ

Một thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran vẫn khó có thể đạt được. Iran đã từ chối yêu cầu thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và chấp nhận rằng Mỹ sẽ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) là một tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, một vấn đề phức tạp cuối cùng vẫn có thể hủy hoại bất kỳ thỏa thuận nào: Iran khẳng định rằng Mỹ phải cung cấp cho họ những đảm bảo để bảo vệ các khoản đầu tư quốc tế của nước này nếu Mỹ một lần nữa rời khỏi JCPOA. Điều này là không thể.

Biden, giống như Obama, không có cơ hội biến JCPOA thành một hiệp ước thực tế. Tổng thống Mỹ cũng không có thẩm quyền coi JCPOA như một thỏa thuận hành pháp, một thỏa thuận gần như hiệp ước mà hành pháp Mỹ tạo ra theo thẩm quyền hiến pháp của mình - nội dung của JCPOA, với tư cách là một văn bản ngoại giao, không thuộc quyền thực tế của tổng thống với tư cách là tổng tư lệnh.

Do đó, JCPOA sẽ không bao giờ bị ràng buộc theo luật của Mỹ và chính quyền Biden có thể không đảm bảo rằng tài chính của Iran sẽ được bảo vệ nếu một tổng thống khác rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này.

Tuy nhiên, thực tế là việc chính quyền Biden kiên quyết theo đuổi JCPOA về mặt chiến lược là một điều kỳ lạ. Lợi ích duy nhất mà một thỏa thuận hạt nhân mang lại cho phương Tây vào thời điểm này là việc tăng công suất dầu để làm giảm giá năng lượng đang tăng vọt ở Tây Âu. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp Mỹ thúc đẩy Pháp và Đức quyết tâm chống lại Nga.

Mặc dù nhóm đồng minh phi tự do gồm Moskva, Bắc Kinh và Tehran đã củng cố mối quan hệ hợp tác của họ kể từ khi có cuộc xung đột Nga - Ukraine, song vẫn có những khoảng trống và sự lưỡng lự. Chủ tịch Tập Cận Bình, đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất động sản có thể làm chao đảo nền kinh tế Trung Quốc, lo ngại các lệnh trừng phạt ngắn hạn của phương Tây, và do đó không sẵn sàng công khai ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga. 

Trung Quốc đã tham gia năm thứ hai liên tiếp cuộc tập trận quân sự Vostok 2022 do Nga dẫn đầu. Xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc sang Nga đạt trị giá 6,77 tỷ USD, cao hơn gần 50% so với tháng 7/2021, trong khi xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đạt 10 tỷ USD.

Trong khi đó, Iran hiện cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Nga, còn đối tác kiêm ủy nhiệm của họ là Syria đã cam kết hỗ trợ quân sự và lính đánh thuê cho cuộc tấn công Ukraine của Nga.

Cả 3 cường quốc chống Mỹ này đều có chung một mục tiêu. Họ tìm cách phá hủy trật tự Á-Âu do Mỹ hậu thuẫn, thay thế nó bằng một hệ thống phù hợp với lợi ích chính trị của họ. Sự phối hợp của 3 cường quốc chống Mỹ này đã được tăng cường trong năm qua và sẽ chỉ gia tăng hơn nữa trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục