Mối lo lao động thất nghiệp gia tăng

Nhiều doanh nghiệp bị đình đốn hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến hàng nghìn lao động mất việc làm và hàng trăm ngàn người khác đứng trước nguy cơ tương tự. Đây cũng đang là mối lo lớn của Chính phủ và các ngành chức năng.

Nhiều doanh nghiệp bị đình đốn hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến hàng nghìn lao động mất việc làm và hàng trăm ngàn người khác đứng trước nguy cơ tương tự. Đây cũng đang là mối lo lớn của Chính phủ và các ngành chức năng.
 
Đặc biệt, nguy cơ này đang dần hiện rõ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố Hà Nội, trong 3-4 tháng gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp thông báo việc cắt giảm lao động do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
 
Cắt giảm nhiều nhất phải kể đến Công ty Canon (Khu công nghiệp Thăng Long), với khoảng 2.000 lao động, Công ty Nissei Electric khoảng 300 lao động.
 
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh phía Nam, nhất là ở các trung tâm công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cắt giảm khoảng trên 3.000 lao động, tập trung nhiều nhất ở ngành may mặc, giày da, chế biến gỗ.
 
Ông Nguyễn Ðại Ðồng, Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết phải đến hết quý I/2009, Bộ mới có con số xác thực về số lao động thất nghiệp.
 
Tuy nhiên, theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nếu GDP tăng 1% thì sẽ có 0,33-0,34% lao động có việc làm. Như vậy, khi tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8,5% năm 2007 xuống còn khoảng 6,5% năm 2008 thì trong năm 2009 sẽ có khoảng 0,65% số lao động tương đương khoảng 300.000 người mất việc làm.
 
Trước tình hình này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, báo cáo về tình hình thất nghiệp do suy thoái kinh tế toàn cầu để có giải pháp cụ thể.
 
Nhằm khuyến khích các dự án tạo nhiều việc làm, Bộ này cũng đã kiến nghị Quốc hội bổ sung vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm hàng năm 500 - 600 tỷ đồng để tăng ngân sách cho các dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối hiệu quả cung - cầu lao động.
 
Đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015 bắt đầu được Bộ triển khai cũng là một giải pháp giảm tải sức ép về việc làm thời gian tới.
 
Cùng với giải quyết việc làm cho khoảng 3,2 triệu lao động đến năm 2010, Bộ cũng đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 5%, giảm tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp xuống dưới 50%, bình quân mỗi năm đưa được 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
 
Về phía Chính phủ, sử dụng hiệu quả 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cũng là một nội dung quan trọng đang được thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 12 của Chính phủ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Trong nỗ lực tạo việc làm mới cho người thất nghiệp, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định trên địa bàn để tiếp nhận người lao động vừa bị mất việc. Ông Lâm Văn Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn trong tổng số hơn 3.500 lao động bị mất việc làm thuộc 13 công ty ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất trên địa bàn đã được giới thiệu việc làm mới./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục