Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản: Bình mới, rượu cũ?

Thủ tướng mới ở Nhật có thể tạo nền tảng quan trọng cho việc tháo bỏ hàng rào ngăn cách giữa Seoul và Tokyo song liệu điều này có thực sự dẫn đến hòa giải hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản: Bình mới, rượu cũ? ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times), mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khó có thể được cải thiện bất chấp sự ra đi theo kế hoạch của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người được cho là có quan điểm "diều hâu" trong quan hệ với Seoul.

Tại cuộc bầu cử bất thường của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản ngày 14/9, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi, đã được bầu làm tân chủ tịch LDP.

Do LDP chiếm ưu thế đa số tại Quốc hội Nhật Bản, tân Chủ tịch LDP Yoshihide Suga đã trở thành người kế nhiệm ông Abe Shinzo trong phiên họp toàn thể của Quốc hội diễn ra vào ngày 16/9.

Mối quan hệ bấp bênh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên "thù địch" khi Seoul và Tokyo vướng vào hàng loạt tranh chấp ngoại giao, trong đó có cả chiến tranh thương mại leo thang sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc liên quan đến khoản bồi thường mà Tokyo phải trả cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên.

[Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản: Kẻ tám lạng, người nửa cân]

Thời báo Hàn Quốc dẫn nguồn tin thân cận cho biết: "Một thủ tướng mới ở Nhật Bản có thể tạo nền tảng quan trọng cho việc tháo bỏ hàng rào ngăn cách giữa Seoul và Tokyo song liệu điều này có thực sự dẫn đến hòa giải hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác."

Hơn nữa, do ông Yoshihide Suga, từng là cánh tay phải của ông Abe Shinzo và tham gia thực thi chính sách đối ngoại của Nhật Bản, nên đường lối đối ngoại của chính quyền mới sẽ không khác nhiều so với chính quyền tiền nhiệm.

Sự thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo ngày càng xấu đi liên quan đến các vấn đề thương mại và lịch sử thời chiến, ngày càng làm dấy lên những lo ngại về việc Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ không chú tâm vào việc tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức chung, chẳng hạn như mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nam Chang-hee, Giáo sư chính trị quốc tế của trường Đại học Inha (Hàn Quốc), nhận định: "Về tổng thể, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ không có sự thay đổi chính sách lớn dưới thời chính quyền Yoshihide Suga."

Hơn nữa, Giáo sư Nam Chang-hee lưu ý thêm rằng do tầm hoạt động của chính quyền mới hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của LDP nên ông Yoshihide Suga trong một sớm một chiều khó có cơ hội để tự mình thúc đẩy những chính sách mang đặc trưng của cá nhân mình.

Từng đảm nhận "vai trò trung tâm" trong chính quyền Abe Shinzo trong suốt 8 năm qua, ông Yoshihide Suga được cho là sẽ không rời xa các nguyên lý chính trong chương trình nghị sự chính sách của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, nền tảng độc đáo của ông Yoshihide Suga khác với những ứng cử viên nặng ký khác, chủ yếu là với các thế hệ chính trị gia lừng lẫy như ông Abe Shinzo, làm dấy lên những hy vọng thận trọng rằng ông Yoshihide Suga vẫn có thể có thêm cơ hội để điều chỉnh lại chính sách.

Xuất thân từ một gia đình nông dân trồng dâu tây và được coi là một chính trị gia "tự lập" (phần lớn không phải chịu áp lực liên quan đến truyền thống chính trị của tổ tiên hoặc ít bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu bè phái từ bên trong đảng cầm quyền), ông Yoshihide Suga dường như không chịu nhiều sức ép liên quan tới những di sản chính trị cũng như ít bị kìm kẹp bởi những yêu cầu phe phái từ chính đảng cầm quyền.

Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Yonhap qua thư điện tử (email), Tiến sỹ Patrick Cronin phụ trách vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Viện Hudson, giải thích: "Có hai sự khác biện quan trọng. Thứ nhất, ông Yoshihide Suga không bị giới hạn bởi lòng trung thành lịch sử để thay đổi hiến pháp; ông ấy có thể ủng hộ những mục tiêu chung lớn mạnh và thịnh vượng của Nhật Bản song cũng có quyền hạn lớn hơn về cách thức để đạt được những mục tiêu đó.

Thứ hai, ông Yoshihide Suga có thể đưa ra một lựa chọn tỉnh táo để chứng minh thương hiệu của mình bằng việc thay đổi lộ trình khác so với người tiền nhiệm Abe Shinzo ở mức độ vừa phải."

Kể từ khi ông Abe Shinzo trở thành thủ tướng ở Nhật Bản, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã chững lại do các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lịch sử, phần lớn xuất phát từ giai đoạn Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên trong những năm từ 1910 đến 1945.

Hiện vấn đề gây "khó chịu" lớn nhất giữa Seoul và Tokyo là việc Nhật Bản áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu vào Hàn Quốc để trả đũa các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân của lao động cưỡng bức thời chiến.

Tokyo lập luận rằng tất cả các vấn đề liên quan đến việc bồi thường nói trên đã được giải quyết sau khi hai nước ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1965.

Trong khi đó, Seoul tập trung vào cách tiếp cận "lấy nạn nhân làm trung tâm," tôn trọng các phán quyết của tòa án về vấn đề lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, vấn đề "nô lệ tình dục thời chiến" của Nhật Bản cũng đã gây trở ngại cho mối quan hệ giữa Seoul và Toyko do chính quyền Abe Shinzo được xem là đã không giải quyết ổn thỏa vấn đề nhân đạo bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ các nạn nhân.

Một thỏa thuận đạt được vào năm 2015 giữa Seoul và Tokyo dường như đã tạo ra một bước đột phá cho vấn đề "nô lệ tình dục thời chiến."

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản: Bình mới, rượu cũ? ảnh 2Ông Moon Jae-in và ông Abe Shinzo trong một cuộc gặp. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên sáng tỏ khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in công khai tuyên bố rằng thỏa thuận (mà chính quyền tiền nhiệm nỗ lực đạt được) không có sự đồng ý hoàn toàn từ các nạn nhân.

Trong khi đó, lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn chính quyền Abe Shinzo cũng phù hợp với ý định chủ quan của cá nhân ông nhằm nâng cao lòng tự hào dân tộc của Nhật Bản, vốn bị suy yếu bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ và sự tức giận của người dân do các thảm họa "lặp đi lặp lại," chẳng hạn như thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo ngày càng trở nên lạnh nhạt, sự thay đổi lãnh đạo theo đường lối cứng rắn ở Nhật Bản hoàn toàn có thể coi là một sự để ngỏ rất cần thiết cho Hàn Quốc để cải thiện quan hệ song phương.

Tiến sỹ Patrick Cronin kết luận: "Chính quyền Moon Jae-in nên tìm kiếm một sự khởi đầu mới với chính quyền Yoshihide Suga bởi một hành động tốt có thể bắt đầu một vòng xoay tốt, từ đó sẽ tạo ra một mối quan hệ cùng hợp tác hướng tới tương lai giữa Seoul và Tokyo"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục