Mối quan hệ Mỹ-Nhật liệu có mất đà trong thời gian tới?

Thủ tướng Abe Shinzo có lẽ là người đã phát triển mối quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Donald Trump hơn bất kỳ đồng minh dân chủ lớn nào của Mỹ.
Mối quan hệ Mỹ-Nhật liệu có mất đà trong thời gian tới? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Nguồn: france24.com)

Theo bài viết trên tờ the Hill, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tỏ ra sẵn sàng chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ.

Với việc chỉ trích cá nhân nhằm vào Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cách tiếp cận của Thủ tướng Anh Theresa May đối với Brexit, hay thường xuyên phàn nàn về việc các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đầu tư đủ cho ngân sách quốc phòng, Tổng thống Trump đã khiến các đồng minh của Mỹ phải cảnh giác.

Ngay cả ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, Tổng thống Trump cũng gây sức ép với Hàn Quốc để tăng đóng góp cho liên minh nếu không ông sẽ rút quân đội Mỹ ra khỏi nước này.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là một trường hợp ngoại lệ đáng chú ý. Thủ tướng Abe Shinzo có lẽ là người đã phát triển mối quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Trump hơn bất kỳ đồng minh dân chủ lớn nào của Mỹ, và trong hầu hết các trường hợp, ông không là đối tượng bị chỉ trích của Tổng thống Trump.

[Mỹ phê duyệt bán 105 máy bay chiến đấu F-35 cho Nhật Bản]

Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá cao sự phòng thủ mạnh mẽ hơn của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này tương đồng với quan điểm trong sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2020, khi cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất trong khu vực.

Nhật Bản “lạt mềm buộc chặt”

Trong khi đó, mối quan hệ giữa các cơ sở an ninh quốc gia ở Washington và Tokyo có vẻ gần gũi và đáng tin cậy như mối quan hệ giữa Nhật Bản và Australia.

Ngay cả chiến lược điển hình “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở” của chính quyền Tổng thống Trump cũng được các nhà hoạch định trong bộ ngoại giao Nhật Bản hưởng ứng vào năm 2017.

Trong một bài bình luận trên tờ The American Interest vào tháng Tư, một quan chức cấp cao Nhật Bản giấu tên đã ca ngợi Tổng thống Trump và lập luận rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ tốt hơn cho Tokyo.

Có những lý do về cấu trúc cũng như ý thức hệ để giải thích cho việc vì sao Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Chính quyền Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Thủ tướng Abe cũng như cách thức ngoại giao cá nhân của ông đối với Tổng thống Trump có thể gây ấn tượng với các nhà ngoại giao châu Âu, những người không thể khiến các nhà lãnh đạo của họ làm điều tương tự.

Mặc dù có thể không phải là đối tượng chỉ trích giống như các lãnh đạo châu Âu, nhưng ông Abe đã phải giải quyết một loạt các vấn đề với Tổng thống Trump như chính sách thuế quan đối với sản phẩm thép; việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được coi là nền tảng của chiến lược thương mại Nhật Bản ở châu Á; việc Washington yêu cầu tăng chi trả gấp 4 lần cho việc duy trì các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản; các mối đe dọa bất ngờ khi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, khiến Tokyo phải đối mặt với mối đe dọa hiện nay từ Triều Tiên; hay việc thiếu quan tâm của Tổng thống đối với các cuộc họp đa phương như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

Tuy nhiên, ông Abe chưa bao giờ chỉ trích công khai ông Trump như các đối tác châu Âu và Canada đã làm.

Thay vào đó, ông đã kiên nhẫn kiềm chế ông Trump về các vấn đề an ninh và ngoại giao trong những lần chơi gôn; cố gắng kết nối các đối tác châu Âu của Nhật Bản với Mỹ tại các cuộc họp G7; hay làm việc với các quốc gia thành viên trong TPP để giữ cho Mỹ một vị trí trên bàn đàm phán trong khi vẫn thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Có thể nói, chính sách ngoại giao trên tốt cho Nhật Bản, Mỹ và thậm chí cả châu Âu.

Du vậy, đột nhiên trong mấy tháng nay, liên minh Mỹ-Nhật dường như suy yếu hơn.

Vào tháng Sáu, Nhật Bản đã tạm ngừng và sau đó hủy bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ Aegis Ashore do Mỹ thiết kế.

Quyết định hủy bỏ bất ngờ của Nhật Bản đã tác động lớn tới liên minh hai nước vốn có những phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là một liên minh với các hoạt động đem lại lợi ích an ninh quốc gia cho cả Mỹ và Nhật Bản.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ sản xuất máy bay chiến đấu phản lực tiếp theo của mình, từ chối kế hoạch của các công ty Mỹ nhằm mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp Nhật Bản.

Và gần đây nhất, ông Yuichi Hosoya, một học giả có uy tín của Nhật Bản và là nhà phân tích an ninh quốc gia ủng hộ liên minh thân cận với Thủ tướng Abe, trong một cuộc phỏng vấn cho rằng đã đến lúc Nhật Bản phải đánh giá lại sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ và xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình, đồng thời đặt câu hỏi liệu Mỹ có còn cam kết bảo vệ Nhật Bản hay không.

Cam kết duy trì một liên minh Mỹ-Nhật mạnh mẽ

Những lời bình luận của ông Hosoya gây ra sự tức giận bởi ông đã nói những điều mà nhiều nhà quan sát Nhật Bản đã nghe về mối lo ngại của Nhật Bản với Mỹ.

Bản thân những sự kiện trên không đáng lo ngại, song tất cả các sự kiện gộp lại có thể tạo thành xu hướng có vấn đề và có nhiều lý do giải thích vì sao.

Một trong những lý do có thể là sự sụt giảm tín nhiệm của cả ông Abe và ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận khi đại dịch COVID-19 xảy ra khiến Nhật Bản cân nhắc các chiến lược phòng ngừa rủi ro.

Một yếu tố khác có thể là mối lo ngại ngày càng tăng ở Tokyo rằng sẽ không có cách thức kiểm soát đáng tin cậy đối với sự quá mức của Tổng thống Trump khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton từ chức.

Mối quan hệ Mỹ-Nhật liệu có mất đà trong thời gian tới? ảnh 2(Nguồn: japantoday.com)

Ngoài ra còn có nghi ngờ rằng việc xử lý không tốt của Chính quyền Tổng thống Trump trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng là một yếu tố để các nhà lãnh đạo Nhật Bản đánh giá sự đáng tin cậy của Mỹ.

Trong các cuộc trao đổi riêng, một số quan chức đã nhắc đến sự mệt mỏi trong việc chạy theo một Tổng thống hay gây chuyện và không có dấu hiệu nào cho thấy sự chín chắn hoặc trở nên đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, không có lý do để lo ngại rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ liên minh với Mỹ.

Ông Abe cam kết duy trì một liên minh Mỹ-Nhật mạnh mẽ hơn và chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ từ bỏ cam kết trên.

Cũng không có bất kỳ nhân vật có ảnh hưởng chính trị nào cố gắng thay thế ông Abe để thách thức mối quan hệ liên minh này.

Hơn nữa, mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc có nghĩa là Washington và Tokyo cần nhau hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, những xích mích và sự bất ổn trong mối quan hệ sẽ mang đến những hậu quả tiêu cực. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Nhật Bản vẫn ủng hộ liên minh Mỹ-Nhật, nhưng niềm tin nhanh chóng vào Mỹ và Tổng thống Trump đã sụt giảm.

Mối lo ngại không phải là nguy cơ Nhật Bản bằng cách này hay cách khác rời bỏ liên minh, mà là Tokyo và Washington có thể bỏ qua sự khó chịu ngày càng tăng và sự bất ổn khiến họ mất tập trung vào việc hợp tác hơn nữa để bảo vệ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thực sự tự do và cởi mở hay không?

Trang web của Nhà Trắng và trang web chiến dịch của ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ Joe Biden đều đề cập tới tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật.

Đó là điều đáng mừng, tuy nhiên mối quan hệ liên minh không thể tự tốt lên được nếu cả hai không có sự nỗ lực.

Cả hai cần bắt đầu nỗ lực và cần chú ý nhiều hơn đến những gì đã từng là một mối quan hệ vững chắc đáng tin cậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục