Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ đổ vỡ?

Bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Pence cho thấy Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu của Mỹ và có ý định buộc các quốc gia khác phải chọn lựa giữa Washington và Bắc Kinh trong một số vấn đề.
Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ đổ vỡ? ảnh 1Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bài viết của Nathan Swire trên lawfareblog phân tích về việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tố cáo Trung Quốc can thiệp vào vấn đề nội bộ Mỹ và việc các tàu chiến suýt xảy ra va chạm trên Biển Đông có nội dung như sau:

Trong bài phát biểu hôm 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng ủng hộ những cáo buộc của chính quyền Trump đối với Trung Quốc.

Tại viện nghiên cứu Hudson, ông Pence đã cảnh báo rằng Bắc Kinh là “kẻ cạnh tranh chiến lược lớn nhất” của Mỹ bằng chứng qua việc can thiệp kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cùng với cạnh tranh quân sự hiện nay.

Phần lớn bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tập trung chỉ trích những nỗ lực của Trung Quốc “gây tác động ảnh hưởng đến chính sách và đời sống chính trị của nước Mỹ.”

Những nỗ lực này bao gồm thuế quan nhằm vào các vùng nông nghiệp của nước Mỹ, đầu tư vào các viện nghiên cứu văn hóa thân Trung Quốc, gây sức ép đối với giới học giả và báo chí cũng như kiểm tra, giám sát người Trung Quốc sinh sống, làm việc và học tập trên đất Mỹ.

Ông Pence cũng đã tập trung vào cạnh tranh kinh tế giữa các cường quốc, bao gồm cả việc Trung Quốc sử dụng các chính sách bảo hộ thuế quan, thao túng tiền tệ, ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế ở bên trong nước Mỹ.

Trong một tuyên bố sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ đã “đưa ra những lời cáo buộc không có bằng chứng xác thực” và “vu khống Trung Quốc.”

Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ đổ vỡ? ảnh 2Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Bà Oánh khẳng định thêm rằng Trung Quốc “chắc chắn sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình” nhưng cũng sẽ “quyết tâm bảo vệ chủ quyền, anh ninh và những lợi ích phát triển của mình.”

Bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence diễn ra khi Mỹ gia tăng sức ép với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự. Tổng thống Donald Trump hôm 17/9 đã thông báo một đợt áp thuế mới tổng giá trị gần 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc.

Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) được Tổng thống Trump thông qua giữa tháng 8, cũng đã tạo ra những hạn chế mới đối với đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ và vì lý do an ninh quốc gia cũng đã tăng quyền hạn cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để giám sát các ngành công nghiệp và công nghệ.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng đang lên một kế hoạch “biểu dương lực lượng” lớn vào tháng 11 tới để chứng minh sự quyết tâm của Mỹ trong việc bảo đảm sự ổn định ở các vùng biển quốc tế.

Kế hoạch “biểu dương lực lượng” sẽ bao gồm các cuộc tập trận quân sự ở khu vực Thái Bình Dương và có thể cả các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông và gần Eo biển Đài Loan - các khu vực mà lâu nay Trung Quốc vẫn phản đối hoạt động của Mỹ...

Tại Hội nghị ASEAN

Cả Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí trên nguyên tắc về một loạt hướng dẫn mới quản lý những cuộc đối đầu giữa máy bay quân sự hai nước ở Biển Đông.

Những hướng dẫn này đã được Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua trước đó trong cuộc họp thường niên của họ từ 18-20/10 tại Singapore.

[Trung Quốc hủy cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis]

Trong khi Trung Quốc và Mỹ không phải là thành viên của ASEAN, nhưng họ là thành viên của ASEAN+ 8, bao gồm Nhận Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác có lợi ích trong khu vực.

8 quốc gia này đã nhóm họp hôm 20/10 sau cuộc họp của các nước ASEAN, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Bộ hướng dẫn mới này áp dụng cho vùng trời Biển Đông, với mục đích nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn trên không bằng cách cung cấp một bộ quy tắc ứng xử chung và các biện pháp liên lạc.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận xét rằng bộ quy tắc này sẽ làm giảm rủi ro tai nạn. Ông nói: “(bộ hướng dẫn này) giống như một chiếc đai an toàn. Chúng hoàn toàn không bảo đảm tính mạng cho bạn nhưng ít nhất chúng cung cấp một số biện pháp bảo vệ.”

Những hướng dẫn này dựa trên Bộ quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên Biển 2014 (CUES), một bộ quy tắc ứng xử tương tự nhằm quản lý các cuộc đối đầu của tàu thuyền quân sự.

Ông James Mattis và ông Ngụy Phượng Hòa cũng đã có cuộc gặp không chính thức bên lề hội nghị để thảo luận mối quan hệ giữa hai nước, mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ miêu tả cuộc gặp này là “thẳng thắn và vô tư.”

Trước đó, phía Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc gặp giữa ông Mattis và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, do căng thẳng hai nước gia tăng.

Ở Biển Đông

Trước khi diễn ra Hội nghị ASEAN, Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động hải quân và không quân ở Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực.

[Mỹ xác nhận hình ảnh vụ chạm trán với tàu chiến Trung Quốc]

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur hôm 30/9 đã đi vào phạm vi 12 hải lý của đá Gaven và đá Johnson của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để tiến hành hoạt động FONOP.

Mỹ khẳng định có quyền theo luật pháp quốc tế đưa tàu chiến của mình đi vào các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và từ lâu đã sử dụng FONOP để phản đối các tuyên bố chủ quyền hàng hải mà Mỹ coi là quá đáng.

Đáp trả, một chiến tàu chiến Trung Quốc đã đi sát tàu khu trục Mỹ, buộc nó phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Đây là một hành động quyết liệt hơn mức bình thường mà Trung Quốc phản ứng trước FONOP của Mỹ. Trong bài phát biểu, ông Pence đã dẫn ví dụ này và coi đó là hành động hiếu chiến của Trung Quốc.

Trong quá trình diễn ra hội nghị ASEAN, Mỹ cũng đã điều các máy bay ném bom B-52 đến Biển Đông vào cuối tháng Chín và ngày 18/10.

Bộ Quốc phòng Mỹ ám chỉ những chuyến bay này là các nhiệm vụ huấn luyện thông thường, nhưng người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói với các phóng viên rằng những hành động này là “khiêu khích” và rằng Trung Quốc sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình.”

Trong một hội nghị cuối tháng Chín, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã phản ứng trước lời chỉ trích của Trung Quốc, nói rằng những hành động của chính Trung Quốc dẫn đến hiểu sai các chuyến bay của Mỹ là khiêu khích.

Ông nói: “Nếu đây là 20 năm trước và họ không quân sự hóa các thực thế ở đó, thì có lẽ sẽ chỉ là một chiếc máy bay ném bom khác đang trên đường tới Diego Garcia hay bất kỳ nơi nào.”

Phân tích và bình luận

Trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhà báo Bhavan Jaipragas cho rằng bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà còn nhằm vào các quốc gia khác ở khu vực.

Kết hợp với phân tích, đánh giá của các chuyên gia khác về khu vực này, ông Jaipragas miêu tả bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence vẽ lên bức tranh cho thấy Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu của Mỹ và có ý định buộc các quốc gia khác phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề, chẳng hạn như Biển Đông.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ như Pháp và Anh gần đây đã có quan điểm cứng rắn hơn về Biển Đông, nhưng nhiều nước trong khu vực đã phải cố gắng cân bằng giữa hai cường quốc này.

Tại hãng tin CNBC, nhà báo Nyshka Chandran đã tham vấn nhiều chuyên gia và đưa ra kết luận rằng quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ có thể vẫn sẽ dễ đổ vỡ, bất chấp cuộc gặp thân mật giữa ông Mattis và ông Ngụy tại hội nghị ASEAN trong tháng 10 này, do sự cạnh tranh chính trị và kinh tế giữa hai nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục