Moody's duy trì triển vọng ổn định với hệ thống ngân hàng ở Mỹ Latinh

Theo Moody's, các hệ thống ngân hàng của Argentina, Brazil, Colombia, Panama, Paraguay, Peru và Uruguay sẽ tiếp tục duy trì triển vọng ổn định.
Moody's duy trì triển vọng ổn định với hệ thống ngân hàng ở Mỹ Latinh ảnh 1Người dân tại Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/4, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố báo cáo, trong đó đánh giá triển vọng tín nhiệm của hệ thống nhân hàng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm nay ở mức ổn định.

Theo Moody's, các hệ thống ngân hàng của Argentina, Brazil, Colombia, Panama, Paraguay, Peru và Uruguay sẽ tiếp tục duy trì triển vọng ổn định.

Trong khi đó, cơ quan này đã điều chỉnh triển vọng của khu vực Trung Mỹ và Caribe, cũng như của hệ thống tài chính Chile từ tiêu cực sang ổn định. Hệ thống ngân hàng của Mexico là trường hợp duy nhất bị xếp vào triển vọng tín nhiệm tiêu cực.

Trong báo cáo, Moody's nhận định, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như các nguyên tắc cơ bản về tín dụng của các ngân hàng sẽ giúp giảm thiểu tác động từ tình trạng lạm phát gia tăng và biến động từ bên ngoài đối với các nền kinh tế trong khu vực.

[Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát]

Mặc dù áp lực lạm phát và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động đến các hoạt động kinh tế tại thời điểm rủi ro tài sản gia tăng trong khu vực, tuy nhiên những rủi ro này sẽ được giảm thiểu "nhờ vào mức dự trữ cao."

Do đó, Moody's cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ Latinh sẽ tiếp tục phục hồi và "được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn và khối lượng kinh doanh tăng trưởng vừa phải hơn trong năm 2022."

Cơ quan này cũng nhận định các điều kiện thanh khoản chung sẽ vẫn ổn định vì nguồn tài chính chủ yếu tiếp tục là tiền gửi từ người dân, qua đó giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường bên ngoài. Điều này "sẽ hỗ trợ chất lượng tín dụng của các ngân hàng Mỹ Latinh" và sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào một "thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động."

Trong báo cáo, các chuyên gia của Moody's cho rằng triển vọng tín hiệm của hệ thống ngân hàng Mexico ở mức tiêu cực là do dự báo tăng trưởng kinh tế "yếu hơn so với trước đó," khiến chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục