Moody's: Triển vọng tín nhiệm của Mỹ Latinh năm 2021 ở mức tiêu cực

Moody's nhận định mặc dù kinh tế Mỹ Latinh sẽ phục hồi ở mức trung bình 4,5% trong năm nay nhưng khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt được mức như của năm 2019 cho đến ít nhất là vào năm 2022.
Moody's: Triển vọng tín nhiệm của Mỹ Latinh năm 2021 ở mức tiêu cực ảnh 1Tình nguyện viên phân phát lương thực cứu trợ do dịch COVID-19 cho người dân tại Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/1, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết triển vọng tín nhiệm của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2021 ở mức tiêu cực, trong bối cảnh áp lực xã hội gia tăng và sự phục hồi kinh tế dưới mức kỳ vọng, điều này sẽ thách thức khả năng khôi phục khả năng tài chính của chính phủ các nước trong khu vực.

Moody's cho rằng mức nợ và lãi suất cao bắt nguồn từ những tác động do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra sẽ làm giảm sức mạnh tài chính của các nước, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc ổn định kinh tế và khó có thể xoay chuyển xu hướng tín dụng tiêu cực.

Moody's cho rằng các quốc gia sẽ phải giải quyết những thách thức trong vấn đề chi tiêu công, vốn xuất hiện trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng với đó là việc tăng nguồn thu thông qua cải cách tài khóa trong bối cảnh áp lực xã hội ngày càng tăng như hiện nay.

[Mỹ Latinh đối mặt với chặng đường phục hồi gian nan trong năm 2021]

Moody's nhận định mặc dù các nền kinh tế Mỹ Latinh sẽ phục hồi ở mức trung bình 4,5% trong năm nay trong trường hợp các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất được duy trì, khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt được mức như của năm 2019 cho đến ít nhất là vào năm 2022.

Tại Brazil, Mexico và Argentina, sự phục hồi kinh tế thậm chí sẽ diễn ra chậm hơn và các nước này có thể không đạt được mức tăng trưởng tương đương với mức năm 2019 cho đến ít nhất là năm 2023.

Chỉ có Guatemala và Paraguay đạt được mức phục hồi khả quan hơn trong năm nay.

Báo cáo của Moody's cho biết hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực sẽ tăng trưởng ở mức hơn 3% nhưng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này ghi nhận mức sụt giảm lên tới 5% trong năm 2020.

Trong trường hợp vùng Caribe, việc phục hồi kinh tế sẽ bị trì hoãn do các nước này phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực du lịch, một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiệm trọng nhất bởi đại dịch COVID-19.

Các hoạt động vận chuyển khách du lịch qua đường hàng không và đường biển dự kiến sẽ không được phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2023, khiến một số quốc đảo như như Belize và Jamaica bị ảnh hưởng nặng nề.

Đề cập tới vấn đề áp lực xã hội, Moody's chỉ ra tác động của đại dịch COVID|-19 đã khiến tỷ lệ đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập trong khu vực tăng cao, khiến nhiều tiến bộ kinh tế-xã hội đạt được trong những năm trước bị tụt lùi đáng kể. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu về chi tiêu công dành cho an sinh xã hội tăng mạnh trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục