Moon Jae-in có thể khôi phục các cuộc đàm phán bế tắc với Triều Tiên?

Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai thất bại, sứ mệnh khôi phục các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên dồn lên vai Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Moon Jae-in có thể khôi phục các cuộc đàm phán bế tắc với Triều Tiên? ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Getty Images)

Tờ World Polictics Review (WPR) ngày 15/4 bình luận cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều để ngỏ khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo.

Tuy nhiên, để làm được điều đó và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa thành công, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh trên thất bại, sứ mệnh khôi phục các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên dồn lên vai Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người từng đóng vai trò kết nối cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 6/2018 tại Singapore.

Sự sẵn sàng của Moon Jae-in trong việc một lần nữa đảm nhận vai trò trung gian là điều không thể nghi ngờ nhưng ông phải đương đầu với nhiều khó khăn...

Trong khi hy vọng của Trump về “một thỏa thuận lớn” với Triều Tiên ngày càng trở nên xa vời, Moon Jae-in đã thăm Nhà Trắng vào ngày 11/4 để phác thảo về cái mà Seoul gọi là “một thỏa thuận đủ tốt.”

Tuy nhiên, kết quả chuyến thăm lại không được như Moon Jae-in mong đợi. Phát biểu ngay trước khi tiến hành cuộc gặp chính thức với người đồng cấp Hàn Quốc, Trump đã "dội một gáo nước lạnh" vào ý tưởng khôi phục các dự án kinh tế liên Triều - bước đi được Moon Jae-in từ lâu coi là cách thức để làm sâu sắc quan hệ với Bình Nhưỡng.

Sau đó, Mỹ và Hàn Quốc đưa ra hai thông báo riêng rẽ về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng thay vì một tuyên bố chung thống nhất - một dấu hiệu cho thấy hai bên thiếu điều phối, làm tăng quan ngại rằng Mỹ-Hàn không thống nhất về cách thức đối phó với Triều Tiên.

[Giới hạn trong chính sách ngoại giao con thoi của Tổng thống Hàn Quốc]

Một phần nguyên nhân nằm ở chỗ dù đều đồng thuận về mục đích cuối cùng là trạng thái phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình Triều Tiên, nhưng Seoul và Washington lại bất đồng về cách thức đạt mục tiêu này.

David Maxwell - chuyên gia chuyên nghiên cứu về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên - bình luận: “Đối với Mỹ, đó chính là phi hạt nhân hóa, xây dựng lòng tin và thay đổi quan hệ với Triều Tiên. Còn đối với Hàn Quốc, Seoul quan tâm nhất đến một thỏa thuận hòa bình giúp giảm căng thẳng và dựa vào bối cảnh đó để phi hạt nhân hóa.”

Do sự thiếu hoàn chỉnh từ phía Chính quyền Trump, sự cân bằng trong tiến trình ngoại giao đang dần dịch chuyển theo hướng có lợi cho Kim Jong-un. Mỹ đã nhượng bộ ít nhiều, trong đó có việc thừa nhận tính chính danh của thể chế Triều Tiên thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh hay chấp thuận ngôn ngữ mà Bình Nhưỡng mong muốn trong các tuyên bố chung, kêu gọi “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” thay cho phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Tuy nhiên, Washington vẫn chưa hẳn nhất quán về giọng điệu. Trong thông báo về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn vừa qua, văn bản của phía Mỹ vẫn đề cập đến “phi hạt nhân hóa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.”

Với việc Washington và Bình Nhưỡng còn chưa đạt được đồng thuận về khái niệm ổn định của phi hạt nhân hóa, Moon Jae-in sẽ có nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, Trump cũng đồng ý để ngỏ cánh cửa về “nhiều thỏa thuận nhỏ hơn” với Kim Jong-un. Moon Jae-in hiện bắt đầu lên tiếng bày tỏ dự định tìm kiếm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư để duy trì đà đối thoại nhưng chưa rõ ông có được ưu thế ở mức nào trong đàm phán với Kim Jong-un khi chưa nhận được đồng thuận của Nhà Trắng về nơi cấm vận hay phục hồi các dự án kinh tế liên Triều.

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên ngày 12/4, Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng tiến hành một cuộc gặp nữa với Trump, nhưng bày tỏ quan điểm Hàn Quốc “không nên hành động như một nhà trung gian vồn vã,” thay vào đó cần tự mình quyết định nhiều hơn để liên kết chặt chẽ hơn với Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng vẫn còn có giải pháp cho tình hình hiện nay, đó là thông qua cơ chế miễn trừ tạm thời cho các dự án nhân đạo liên Triều cũng như việc Triều Tiên nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ.

Tuy nhiên, nếu các bên không đạt được đồng thuận về lộ trình phía trước đi đến phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng, thì cách tiếp cận này cũng chứa đựng nguy cơ tắc nghẽn ở một bước nào đó mà không đi tới được các điểm thiết yếu liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thông thường, nhiệm vụ định ra một lộ trình như vậy sẽ do các nhà đàm phán cấp chuyên viên thực hiện. Tuy nhiên, hai nhân vật được chỉ định nhiệm vụ đó là Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok Chol dường như đã bị đẩy ra ngoài lề tiến trình đàm phán.

Chung Eui-yong - cố vấn hàng đầu của Moon Jae-in về các vấn đề an ninh - ngầm cho biết điều này khi ông nói với các phóng viên tại Washington rằng lãnh đạo Mỹ-Hàn đã đồng ý “tiếp tục phương thức ngoại giao từ trên xuống” khi can dự với Triều Tiên.

Từ sau thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, các xí nghiệp quốc doanh ở Bình Nhưỡng được cho là buộc phải đóng cửa nhiều nhà máy, sa thải công nhân.

Việc khánh thành tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển lớn gần thành phố cảng Wonsan đã bị lùi lại hàng năm dù nhiều tháng trước được đồn đoán là sắp diễn ra.

Cuối tháng 3 vừa qua, Trung Quốc và Nga cho biết sẽ tiến hành trục xuất hàng nghìn lao động Triều Tiên vào cuối năm nay theo một điều khoản trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2017, chặn đứng nguồn thu nhập đáng kể đối với Bình Nhưỡng.

Thực tế này tạo ra nhu cầu khẩn thiết đối với Kim Jong-un về đánh giá cơ hội tốt nhất đạt thỏa thuận với Trump và Moon Jae-in - hai nhân vật được cho là có mong muốn đạt thỏa thuận với Bình Nhưỡng vượt trội tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc từ trước tới nay.

Điều đó có nghĩa là Kim Jong-un vẫn còn thời gian đến năm 2022, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Moon Jae-in, để tiến đến một thỏa thuận dỡ bỏ cấm vận chấp nhận được.

"Cánh cửa" đó có thể sẽ thu hẹp hơn nếu Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tuy nhiên, người nhận thấy sức ép cần phải hành động gấp hơn lại là Moon Jae-in khi chính ông đã đặt cược "di sản" của mình vào đường hướng hòa hoãn với Bình Nhưỡng...

Đương nhiên, vẫn còn quá sớm để loại bỏ viễn cảnh có bước đột phá ngoại giao về một khung nội dung làm nền tảng để đi đến một thỏa thuận, nếu không phải là thỏa thuận cuối cùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục