Một nạn nhân chất độc da cam làm 700 bài thơ

Những vần thơ của Nguyễn Hữu Thịnh như minh chứng cho nỗ lực vượt lên nỗi đau vì di chứng chất độc da cam của chàng thanh niên người Hải Dương.
Những vần thơ của Nguyễn Hữu Thịnh, "Đã mang lấy kiếp con người. Phải vượt lên giữa cuộc đời bão dông" dường như được minh chứng bằng chính cuộc đời Thịnh - một thanh niên vượt lên nỗi đau vì di chứng chất độc da cam.

Số phận nghiệt ngã


Cất tiếng khóc chào đời vào năm 1981 ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Thịnh cũng giống như bao đứa trẻ bình thường. Ngay từ nhỏ, Thịnh đã bộc lộ những năng khiếu đặc biệt về văn thơ.

Thế nhưng, khi vào lớp 2, Thịnh bắt đầu phát bệnh. Chân tay Thịnh teo, co quắp, cơ mặt co khiến cậu không nói được.

Bố của Thịnh - cựu chiến binh Nguyễn Xuân Luật, từng chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ từ năm 1973-1975. Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, chân tay ông đã teo, răng rụng hết. Những lúc trái gió trở trời, những cơn đau quằn quại lại hành ông.

Nỗi đau ấy như càng nhân lên gấp bội khi ông biết cậu con trai cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ông Luật và gia đình tìm mọi cách chạy chữa, đi hết bệnh viện lớn, nhỏ nhưng mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng.

Không cam chịu số phận nghiệt ngã, Thịnh đã tìm mọi cách vươn lên. Đầu tiên, Thịnh tự luyện tập để có thể cử động được bàn tay phải, tiếp đó, Thịnh nỗ lực luyện để phát âm được thành lời, rồi tập làm thơ...

Mỗi khi Thịnh sáng tác được một bài thơ mới, thầy giáo Nguyễn Tri Cơ cùng thôn là người nhận xét, đánh giá. Chính những lời động viên của thầy Cơ, cộng với những câu chuyện về tấm gương vượt khó do ông nội Thịnh kể, đã tiếp thêm sức mạnh cho Thịnh. Ước mơ vươn lên hòa nhập cộng đồng của Thịnh như được chắp cánh...

Ước mơ "bay lên"

Thịnh nhớ mãi cái cảm giác ngỡ ngàng xen lẫn vui sướng khi lần đầu tiên một bài thơ của Thịnh được đọc trong hội làng của thôn Mậu Duyệt. Ngay sau đó, Thịnh đã mua hàng chục quyển thơ, sách văn học để đọc, tham khảo và chắt lọc trong từng câu văn, ý thơ để hiểu ngôn ngữ, cách thể hiện của các nhà văn, nhà thơ.

Hơn 20 năm vừa vật vã với bệnh tật, vừa viết, Thịnh đã sáng tác được khoảng 700 bài thơ, đang giữ trong 7 tập.

Ai đọc thơ của Thịnh đều cảm nhận được sự suy tư về cuộc sống và tình yêu. Những bài thơ của Thịnh được viết theo cảm xúc, chan chứa tình đời, tình người, mong muốn hòa nhập cộng đồng, được cống hiến và viết.

Thơ của Thịnh đã được đăng tải ở một số đặc san của các trường đại học. Hàng trăm độc giả đã gửi thư đến, động viên, tâm sự và cả xin ý kiến để họ vươn lên trong cuộc sống. Có những nhà giáo cảm phục ý chí của Thịnh, đã tuyển chọn thơ của Thịnh mang đến một số nhà xuất bản… với hy vọng những trang thơ mang nặng nỗi niềm ấy có cơ hội đến được với nhiều người.

Thầy Lưu Văn Quỳnh, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Cẩm Giàng (huyện Cẩm Giàng) bày tỏ: “Tôi được học trò tặng 2 tập thơ của em Thịnh, với hơn 200 bài thơ. Tôi và các đồng nghiệp đọc rất say sưa. Thơ của Thịnh có chiều sâu cảm xúc, nhiều bài rất tinh tế. Từ đó, trong một số tiết dạy học của mình, tôi đã lấy thơ và chính tấm gương của Thịnh lồng vào trong các bài giảng. Học trò khi nghe đều rất xúc động, cảm phục nghị lực của em".

Mới đây, hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của Thịnh, một số cá nhân hảo tâm ở Hà Nội đã tặng Thịnh một bộ máy vi tính và giáo trình tin học. Thịnh tự mày mò và đã biết thao tác trên máy tính, tiếp tục cho ra đời những bài thơ tràn đầy xúc cảm.../.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục