Mùa dịch: Nhu cầu thông tin tăng vọt, ngành truyền thông 'trầy trật'

Bị phụ thuộc vào quảng cáo, ngành báo chí truyền thông đang đối mặt với tình trạng phải cho nhân viên nghỉ việc một phần hoặc cắt lương của các vị trí quản lý.
Tờ Le Parisien đã cắt giảm giờ làm việc của nhân viên. (Nguồn: leparisien.fr)
Tờ Le Parisien đã cắt giảm giờ làm việc của nhân viên. (Nguồn: leparisien.fr)

Những tưởng trong thời điểm nhu cầu thông tin của công chúng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao hơn bao giờ hết, báo chí và truyền thông sẽ là ngành “ăn nên làm ra,” nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Bị phụ thuộc vào quảng cáo, ngành báo chí truyền thông đang đối mặt với tình trạng phải cho nhân viên nghỉ việc một phần hoặc cắt lương của các vị trí quản lý.

Những nạn nhân đầu tiên của COVID-19 trong ngành báo chí phải kể đến như nhiều tờ báo ở Pháp, trong đó có tờ Le Parisien nổi tiếng, đã cắt giảm giờ làm việc của nhân viên, chủ yếu trong những lĩnh vực mà dòng chảy tin tức bị “chặn đứng” vì đại dịch.

Đơn cử, nhật báo thể thao L'Equipe, với cả báo in và phiên bản điện tử, đã phải cho nhân viên nghỉ việc ở nhà, trong bối cảnh hầu hết các sự kiện thể thao bị “đóng băng.” Nhật báo vùng Paris-Normandie, vốn đã chật vật duy trì chỗ đứng, đang làm thủ tục phá sản.

Trong khi đó, tại Anh, tạp chí danh tiếng The Economist thông báo đã cho thôi việc 90 nhân viên hỗ trợ, tờ The Guardian sa thải 100 người làm những công việc “bên lề” sau khi doanh thu từ quảng cáo tụt dốc.

Còn ở Italy, nhân viên hãng thông tấn quốc gia ANSA đã đình công trong vòng 48 giờ để phản đối một kế hoạch cắt giảm khẩn cấp.

Ngành báo chí Mỹ cũng không “miễn dịch” với những tác động của cuộc khủng hoảng.

[Hãng thông tấn quốc gia Australia tuyên bố chấm dứt hoạt động]

Conde Nast, nhà phát hành tờ Vogue, Wired và New Yorker, cho biết đã sa thải 100 trong tổng số 6,000 nhân viên và cho 100 người khác nghỉ phép. Tạp chí Fortune sa thải 35 nhân viên (nghĩa là cứ 10 người lại có 1 người bị cho thôi việc) đồng thời cắt giảm 30% lương quản lý. 

Theo phân tích của tờ New York Times, đại dịch đã khiến 36.000 người lao động trong các công ty truyền thông mất việc, bị cho nghỉ phép hoặc bị cắt giảm thu nhập, sau khi ngành này đã chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng” nhiều năm nay.

Báo cáo của New York Times cũng cho thấy tờ Los Angeles Times đã thiệt hại khoảng 1/3 doanh thu quảng cáo và dự báo sẽ sớm mất đến một nửa nguồn thu này, do đó phải cắt giảm tới 40% lương nhân viên.

Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu truyền thông Poynter (trụ sở tại Mỹ), chỉ riêng ở nước này các trang web tin tức đã mất 300 việc làm từ đầu dịch.

Tập đoàn Vice Media dự định sa thải 55 nhân viên ở Mỹ và 100 người ở nước ngoài. Vice Media đưa ra lý do là tập đoàn này đang chịu thiệt hại vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh và sự cạnh tranh của các nền tảng công nghệ truyền thông, đe dọa sự tồn tại của các tờ báo điện tử và công ăn việc làm của hàng nghìn nhà báo.

Về phần mình, trang Buzzfeed hồi cuối tháng 3 thông báo sẽ cắt giảm lương từ 5-25% và ngừng đưa tin về địa bàn Anh và Australia.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy nhiều tờ báo chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững hơn, dựa vào việc độc giả trả phí đọc tin tức.

Đó là trường hợp của tờ báo tài chính Quartz, khi tập đoàn mẹ Uzabase của Nhật Bản thông báo cắt giảm 40% nhân viên, chủ yếu là những người viết nội dung quảng cáo.

Ngành phát thanh truyền hình cũng không thoát khỏi đòn giáng của đại dịch. Ở Mỹ, tập đoàn truyền thông NBCUniversal đã cắt 20% lương của các vị trí cao nhất, trong khi tại Pháp, đài truyền hình TF1 cắt giảm công việc của 1/3 số nhân viên hồi tháng 4, còn BFMTV/RMC dự định ngừng hợp tác với người lao động tự do và cố vấn, do lo ngại dư thừa nhân lực.

Tại quốc gia châu Âu này, 9 trong 10 đài phát thanh độc lập cũng cho nhân viên nghỉ phép vào tháng trước, và 1/3 trong số này chưa có kế hoạch cho người lao động trở lại trước tháng 9 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục