Mục đích của Quốc hội Mỹ khi thông qua đạo luật ARIA

Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật ARIA nhằm tìm cách thúc đẩy những lợi ích của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả lĩnh vực nhân quyền.
Mục đích của Quốc hội Mỹ khi thông qua đạo luật ARIA ảnh 1Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Mỹ tại Washington DC. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng news.mb.com/sputnik, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật nhằm tìm cách thúc đẩy những lợi ích của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả lĩnh vực nhân quyền.

Đạo luật này được gọi là Sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ký hiệu S. 2736) - hay ARIA - được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tuần trước và nhận được sự nhất trí của Hạ viện ngày 12/12 vừa qua. ARIA đang chờ Tổng thống Donald Trump phê chuẩn.

Sáng kiến lưỡng đảng này của Quốc hội Mỹ hàng năm sẽ cung cấp 1,5 tỷ USD để hỗ trợ an ninh cho các đồng minh và thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền và luật trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở."

Nhà bình luận, phân tích của Đài Sputnik Piotr Tsvetov cho rằng việc phân bổ số tiền lớn như vậy trong mấy năm tới cho thấy Washington coi trọng chính sách ở châu Á. Khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đã được chính quyền Trump công bố cách đây 1 năm.

Mục tiêu của chiến lược là bảo đảm chủ quyền, sức mạnh và sự thịnh vượng cho các dân tộc sống dọc bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, dư luận khá nhanh chóng nhận thức được rằng Nhà Trắng còn có một mục tiêu khác: duy trì sự thống trị ở châu Á và chống lại sự “trỗi dậy mạnh mẽ” của Trung Quốc, chủ yếu dựa vào liên minh với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Về mặt chính thức, Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng các khoản tiền được cấp theo luật ARIA để phát triển ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng, để đấu tranh chống tham nhũng và tăng cường an ninh mạng của các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, tạp chí Defensenews của Mỹ cho rằng số tiền này sẽ được dùng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng như để cung cấp gói viện trợ quân sự cho các nước và vùng lãnh thổ đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như hòn đảo Đài Loan.

Các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể hiện sự phấn khởi với kế hoạch quân sự của Nhà Trắng. Ví dụ, Singapore chỉ trích kế hoạch này và bày tỏ lo ngại rằng Mỹ đang tạo ra một khối liên minh đối địch mới.


[Những chuyển động bước ngoặt của nước Mỹ trong năm 2018]

Ở những nước châu Á khác cũng có thể thấy những biểu hiện không muốn có liên hệ quá chặt chẽ với chiến lược này của Mỹ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2018, những người tham dự đã thỏa thuận không chấp nhận một cách mù quáng các đề xuất của Mỹ, mà tiếp tục thảo luận về khái niệm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đề nghị Trung Quốc tham gia thành lập một khu vực mới.

Có cả những gợi ý để gọi khu vực rộng lớn mới này theo cách khác. Chẳng hạn, các nhà ngoại giao Việt Nam nói về Khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.

Tất nhiên, đồng tiền vẫn là sức mạnh. Tuy nhiên, tiền bạc sẽ không làm "mờ mắt" các chính trị gia ở Đông Nam Á có trí tuệ sáng suốt. Không được để trong khu vực châu Á xảy ra tình trạng gia tăng các cuộc chạy đua vũ trang và những cuộc xung đột vũ trang mới do những tham vọng của Mỹ.

Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, vấn đề nhân quyền cũng là nét nổi bật trong đạo luật này, chẳng hạn như điều khoản 408 kêu gọi Tổng thống Mỹ “áp đặt tất cả các trừng phạt tài chính và cấm thị thực” đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm nhân quyền và “các hành động kiểm duyệt” phương tiện truyền thông ở khu vực này.

Ngoài ra, đạo luật hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ “chấm dứt, tạm hoãn hoặc ngừng…hỗ trợ kinh tế cho bất kỳ quốc gia nào vi phạm nghiêm trọng nhân quyền hoặc tự do tôn giáo.”

Thượng nghị sỹ Corey Gardner bang Colorado - một trong những tác giả quan trọng của ARIA - cho biết đạo luật này sẽ cung cấp cho Mỹ “một chiến lược lâu dài và toàn diện ở châu Á nhằm tăng cường các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ và tạo ra việc làm thông qua các cơ hội thương mại, đồng thời nhấn mạnh các giá trị của Mỹ như tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.”

“Mỹ đã và sẽ luôn là một cường quốc Thái Bình Dương, và đạo luật này khẳng định rằng chính phủ Mỹ sẽ cam kết tái bảo đảm an ninh cho các đồng minh và ngăn chặn các đối thủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” thượng nghị sỹ Gardner nói trong một tuyên bố trên trang web chính thức của ông.

Đồng tác giả của sáng kiến này, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Ed Markey lưu ý rằng châu Á, một khu vực được cho là rủi ro nhất đối với Mỹ, “đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng - chẳng hạn như không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền và tôn trọng các giá trị dân chủ.”

Đạo luật này cũng kêu gọi hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống ma túy của lực lượng cảnh sát quốc gia Philippine, mà dưới thời chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, nước này đã có cách tiếp cận chống ma túy bất hợp pháp “phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế bao gồm điều tra và truy tố các cá nhân ra lệnh, tham gia hoặc che giấu những vụ giết người mà không qua xét xử.”

Trong khi đó, một nhóm có tên gọi "Mỹ-Philippines vì sự quản lý tốt" đã ca ngợi việc thông qua ARIA ở Thượng viện vào tuần trước và ở Hạ viện ngày 12/12 vừa qua.

“Luật mới này sẽ là một cú huých tinh thần và là một món quà Giáng sinh cho những người bảo vệ nhân quyền dũng cảm, các nhà báo và những người bạn xã hội dân sự của chúng tôi ở Philippines, Trung Quốc và ở châu Á, những người bị chính phủ của họ xét xử,” luật sư lawyer Rodel Rodis trưởng nhóm trên nói.

Ít nhất, 22.000 cái chết đang được điều tra bởi Cảnh sát Quốc gia Philippines kể từ khi chính quyền Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy năm 2016. Dữ liệu chính phủ cho thấy hơn 4.900 người đã bị giết trong các chiến dịch chống ma túy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục