Mục đích của Trung Quốc khi xem xét tham gia CPTPP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC theo hình thức trực tuyến rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP.
Mục đích của Trung Quốc khi xem xét tham gia CPTPP ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Caixingloba)

Liệu tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có phải là một tín hiệu hòa giải với chính quyền mới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay là một nỗ lực để thúc đẩy sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực?

Theo The Diplomat, ngay sau khi bày tỏ vui mừng về việc ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến 5 ngày sau đó rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP.

Tại sao Bắc Kinh lại đột nhiên quan tâm đến việc gia nhập một khối thương mại mà ban đầu được cho là chống Trung Quốc? Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc đã rất thẳng thắn khi nói rằng mong muốn tham gia CPTPP của Bắc Kinh được đưa ra vào thời điểm chiến lược và nhằm mục đích có thể hòa giải với Mỹ trong bối cảnh ứng cử viên Joe Biden chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong một bài bình luận được đưa ra chỉ một ngày sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình, CGTN - kênh tin tức và thời sự bằng tiếng Anh của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thuộc sở hữu nhà nước cho biết: “Với việc chính quyền của ông Biden sắp lên cầm quyền, Trung Quốc đã quyết định bây giờ là ‘thời điểm chiến lược' đúng đắn để tích cực xem xét việc tham gia CPTPP."

CGTN thừa nhận rằng thỏa thuận CPTPP, lần đầu tiên được xây dựng với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây 4 năm dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama, được coi là một đối trọng thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, giờ đây, CGTN tuyên bố điểm thu hút lớn nhất từ sự quan tâm của ông Tập Cận Bình đối với CPTPP là Trung Quốc nghiêm túc trong việc mở rộng thương mại tự do đa phương và không coi hệ thống thương mại như một trò chơi có tổng bằng không, như đã được mô tả bởi Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Mặt khác, một bài viết đăng ngày 21/11 trên Thời báo Hoàn cầu đã nêu nhiều hơn về các động cơ chính trị. Câu chuyện của Thời báo Hoàn cầu, có tựa đề "Sự quan tâm của Trung Quốc đối với tư cách thành viên CPTPP được coi là cơ hội để xoa dịu những căng thẳng Mỹ-Trung," cho rằng Bắc Kinh đang đánh giá những cơn gió ngược ở Washington bằng cách báo hiệu với Chính quyền của ông Biden rằng Trung Quốc đã sẵn sàng ra khỏi bế tắc căng thẳng của thời ông Trump.

Dẫn lời Vương Huệ Diêu, một người ủng hộ Mỹ và là chủ tịch đầy ảnh hưởng của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, bài báo của Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh rằng không giống như RCEP, CPTPP đại diện cho hiệp định thương mại tự do cấp cao nhất thế giới và việc Trung Quốc quan tâm đến việc tham gia hiệp định này cho thấy mong muốn và quyết tâm của nước này mở cửa sâu sắc hơn, ở cấp độ cao hơn.

Những phát biểu của ông Tập Cận Bình không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc bày tỏ mong muốn tham gia hiệp định thương mại gồm 11 quốc gia. Hồi tháng 5/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Trung Quốc công khai xác nhận sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP.

[Sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với nhà đầu tư nước ngoài]

Tại cuộc họp báo vào cuối kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại Toàn quốc, tức Quốc hội) lần thứ 13, khi trả lời một câu hỏi cụ thể của tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun về việc liệu Trung Quốc có kế hoạch tham gia CPTPP hay không, Thủ tướng Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc có thái độ tích cực và cởi mở đối với việc tham gia CPTPP."

Mặc dù phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã được báo chí quốc tế săn đón rộng rãi, nhưng các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, bao gồm cả Thời báo Hoàn cầu, đã im lặng về câu trả lời của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, tờ báo tài chính Tài tân đã đăng bài báo với tiêu đề nổi bật về tuyên bố của ông Lý Khắc Cường là Thủ tướng Chính phủ gửi tín hiệu mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc tham gia Hiệp định thương mại lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân vật có ảnh hưởng thứ hai của Trung Quốc công khai ủng hộ Trung Quốc gia nhập hiệp định thương mại CPTPP không ai khác chính là nhà bình luận tài chính cấp cao Hồ Thư Lập, người cũng là Tổng biên tập của tạp chí Tài Tân.

Charles Finny, một chuyên gia thương mại quốc tế và là một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, đã trích dẫn bình luận của bà Hồ Thư Lập trong một bài báo mà ông viết cho Trung tâm Truyền thông châu Á có trụ sở tại Auckland vào tháng Bảy.

Nhưng không phải tất cả mọi người bên ngoài Trung Quốc đều sẵn sàng chấp nhận giá trị danh nghĩa mà CGTN và Thời báo Hoàn Cầu đưa ra - rằng sự quan tâm của Trung Quốc trong việc tham gia hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương này là một kiểu cam kết của Trung Quốc về việc thúc đẩy khu vực châu Á-Thái Bình Dương hợp tác và toàn cầu hóa.

Trước đó, khi ông Lý Khắc Cường lần đầu tiên tỏ dấu hiệu bằng giọng điệu không quá hào hứng về việc quan tâm đến việc tham gia CPTPP, những người theo chủ nghĩa hoài nghi bên ngoài Trung Quốc đã diễn giải bình luận của ông Lý Khắc Cường như một động thái đi ngược với Mỹ, vì cả Chính quyền của ông Trump và đảng Dân chủ đều phản đối Washington quay trở lại hiệp định thương mại này. Có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc trở thành thành viên của CPTPP cũng sẽ củng cố vị thế ngày càng tăng của nước này với tư cách là một siêu cường ở Tây Thái Bình Dương.

Dựa trên thành công của việc ký kết RCEP gần đây, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được các đối thủ tiềm tàng đối với việc gia nhập CPTPP của họ trong số 11 quốc gia thành viên của hiệp định này. Ngay cả khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã thể hiện sự quan tâm đến việc mở rộng thành viên CPTPP vào năm tới, khi đến lượt Nhật Bản đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo CPTPP, Tokyo không hề giấu diếm sự nghi ngờ về các vấn đề thương mại. Nhật Bản đã đàm phán một hiệp định thương mại tự do ba bên với Hàn Quốc và Trung Quốc từ năm 2002.

Ngoài ra, hầu hết giới kinh doanh và chính trị Nhật Bản đều cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia CPTPP, ít nhất là trong tương lai gần. Ông Miyake Kuni, trong một bài báo gần đây trên tờ Japan Today, lập luận rằng bằng cách tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng xem xét tham gia CPTPP, ông Tập Cận Bình đang tuyên truyền thuần túy. Ông Miyake là một nhà cựu ngoại giao chuyên nghiệp và hiện là cố vấn đặc biệt cho Nội các của Thủ tướng Suga. Ông Miyake cho rằng, sau RCEP, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như nghĩ là Trung Quốc có thể tham gia, thay đổi và làm lại các quy tắc thương mại khu vực theo TPP mới.

Ông Miyaki nhấn mạnh “dựa trên kinh nghiệm của tôi với tư cách là trưởng đoàn đàm phán thương mại trong các cơ quan của Nhật Bản tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 1994 đến năm 1996, tôi không mong đợi Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc hoặc quy định thông thường để tham gia hiệp định thương mại tự do này (CPTPP)."

Tìm hiểu sâu hơn về mục đích thực sự của Trung Quốc đằng sau việc thể hiện mong muốn tham gia CPTPP, một bài bình luận gần đây trên tờ Thời báo Tài chính phiên bản tiếng Trung tuyên bố rằng thúc đẩy toàn cầu hóa nhiều hơn là “câu thần chú” mới nhất của Bắc Kinh để đối phó với chiến lược kiềm chế Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Theo học giả Tào Tân ở Bắc Kinh, người giữ chức Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc tế, Viện Nghiên cứu Charhar, sự quan tâm đột ngột của Trung Quốc đối với việc tham gia CPTPP, gần giống như một tuyên bố song sinh sau RCEP, là đặc biệt nhằm vào Mỹ.

Ông Tào Tân nhận định Trung Quốc biết rất rõ rằng phát triển quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn với các nước khác trên thế giới là cách hiệu quả nhất để giáng trả chính sách kiềm chế Trung Quốc đang được thực hiện bởi Mỹ và các đồng minh.

Cuối cùng, trong hai tháng trước khi vị tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức tại Mỹ, Trung Quốc sẽ ngày càng tích cực hơn trong việc tạo ra nhiều hiệp định kinh tế và thương mại đa phương và song phương nhất có thể. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã đến thăm Seoul sau hai ngày ở Tokyo, cố gắng xúc tiến việc ký kết hiệp định FTA Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc.

Hôm 30/11, Đại sứ Trung Quốc tại Đức, Ngô Khẩn đã đảm bảo với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới tinh hoa chính trị rằng Đức và EU sẽ có được động lực từ chính sách “tuần hoàn kép” của Trung Quốc khi Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu cuối năm cho hiệp ước đầu tư song phương Trung Quốc-EU.

Tuy nhiên, ngay cả chuyên mục đặc biệt của Tào Tân trên tờ Thời báo Tài chính bản tiếng Trung cũng ghi nhận tâm trạng hòa giải đối với Washington hiện đang phổ biến ở Bắc Kinh.

Với việc ông Biden đang giành ưu thế, có vẻ như Trung Quốc đang vạch ra một chiến lược gồm hai hướng. Một mặt, Bắc Kinh sẽ tìm cách gây áp lực lên chính quyền mới của Mỹ ngay từ đầu bằng cách công khai chìa ra một nhành ôliu. Mặt khác, họ sẽ tìm cách “bao vây” Mỹ bằng cách phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại với ngày càng nhiều quốc gia là đối tác và đồng minh của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục