Mục tiêu đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo ở châu Âu

Trung Quốc không chỉ sử dụng năng lượng như một "vũ khí mới" để thay đổi mô hình thương mại, mà còn để phát triển các quan hệ song phương mới, trong đó có các quốc gia châu Âu.
Mục tiêu đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo ở châu Âu ảnh 1Nhân viên kỹ thuật làm việc tại nhà máy năng lượng Mặt trời nổi đầu tiên tại thành phố miền Đông Nam Piolenc, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ chỗ là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, đến nay Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quốc tế, Trung Quốc không chỉ sử dụng năng lượng như một "vũ khí mới" để thay đổi mô hình thương mại, mà còn để phát triển các quan hệ song phương mới, trong đó có các quốc gia châu Âu.

Tiến trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc

Chủ trương chuyển đổi năng lượng là công cụ trọng tâm cho chuyển đổi kinh tế nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) dựa trên chiến lược tăng trưởng về phát triển xanh của Chính phủ Trung Quốc. Kết quả thực hiện đã đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Năm 2017, Trung Quốc chiếm hơn 1/3 sản lượng pin Mặt Trời toàn cầu và 1/2 các dự án điện gió được lắp đặt trên toàn thế giới.

Trung Quốc đã đầu tư hơn 102 tỷ USD vào năng lượng tái tạo trong năm 2016 và có kế hoạch tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo lên khoảng 360 tỷ USD vào năm 2020.

[Ngành điện lực Đan Mạch lập kỷ lục xanh về sản xuất điện]

Các công ty kinh tế xanh của Trung Quốc đang phát triển cạnh tranh hơn và có lẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên mà Trung Quốc luôn đi đầu trong công nghệ.

Việc quốc tế hóa các công ty Trung Quốc này thông qua các khoản đầu tư ra nước ngoài là một công cụ đặc quyền của chiến lược mà Bắc Kinh đang theo đuổi, cho dù đó là đầu tư trực tiếp vào các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông hoặc mạng lưới điện.

Từ quan điểm này, châu Âu từng là một mục tiêu đặc biệt hấp dẫn. Việc cắt giảm ngân sách, trong khuôn khổ Hiệp định ổn định châu Âu và sự gia tăng đáng kể thâm hụt và nợ công sau cuộc khủng hoảng năm 2008, đã ảnh hưởng mạnh đến các ngành công nghiệp và những nỗ lực chuyển đổi năng lượng.

Do phụ thuộc nhiều vào đầu tư hoặc viện trợ nhà nước, các công ty đối mặt với rất nhiều hạn chế. Đây là lỗ hổng nhưng cũng là tiềm năng mà các nhà đầu tư Trung Quốc hiểu rõ.

Quy mô đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng ở châu Âu, đặc biệt là năng lượng tái tạo, không chỉ gây ra những rủi ro đối với nền kinh tế các nước trong khu vực, mà còn tác động đến sự tự chủ chiến lược của các nước này trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng.

Trung Quốc từ lâu đã phát triển kinh tế dựa vào nguồn đầu tư từ các công ty nước ngoài nhờ có nguồn lao động giá rẻ và thị trường tiềm năng khổng lồ. Dòng vốn này trong suốt 30 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ liên quan đến các khoản đầu tư của các công ty phương Tây đã không đáp ứng được tất cả các mục tiêu của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc buộc phải coi vấn đề “quốc tế hóa” như một cách khác để đạt được tham vọng của mình.

Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư đáng kể ra nước ngoài, để tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu, công nghệ, kỹ năng quản lý hoặc thị trường mới.

Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn so với FDI của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc. FDI của Trung Quốc tập trung vào một số lĩnh vực ở châu Âu và Mỹ, trong đó chủ yếu là các công ty “lưỡng dụng” (sản xuất dân sự và quốc phòng), các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (bến cảng, đường bộ và sân bay) trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) hoặc trong ngành năng lượng.

Lý do đầu tư Trung Quốc hướng đến châu Âu

Chủ trương này của Trung Quốc đã khiến một số quốc gia như Mỹ, Pháp và Đức hết sức quan ngại, buộc các nước này phải thắt chặt kiểm soát đối với nguồn vốn FDI từ Trung Quốc.

Để trấn an dư luận, Trung Quốc tìm cách hạn chế một phần các lĩnh vực mà các công ty của nước này có thể đầu tư ra nước ngoài. Từ đầu năm 2018, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài của các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm, bao gồm truyền thông, sản xuất vũ khí, khai thác tài nguyên nước, kinh doanh dịch vụ khách sạn, rạp chiếu phim hoặc thậm chí các câu lạc bộ giải trí và thể thao.

Mục tiêu đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo ở châu Âu ảnh 2Tuabin gió tại Biển Baltic, miền bắc nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế châu Âu, các lĩnh vực được giới lãnh đạo Trung Quốc coi là chiến lược để xác định lại vị trí nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực này, Trung Quốc luôn xác định các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) là một sân chơi ưu tiên. Các công ty Trung Quốc không chỉ nhắm vào bí quyết của các công ty châu Âu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng mà còn tận dụng được sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ các quốc gia khu vực trong chuyển đổi năng lượng từ 20 năm qua, trong bối cảnh châu Âu thúc đẩy cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo liên tục tăng mạnh, từ tới 2 tỷ euro vào năm 2009, tăng lên 20 tỷ euro vào năm 2015 và thậm chí 35 tỷ euro vào năm 2016 (tức là tăng 77% trong vòng 2 năm liên tiếp).

Năm 2016, Trung Quốc ưu tiên đầu tư vào EU, trong đó đầu tư vào Đức tăng gần gấp 10 lần so với năm 2015, đạt 11 tỷ euro (gồm tất cả các lĩnh vực cộng lại), chiếm 31% vốn FDI của Trung Quốc vào châu Âu trong năm này.

FDI của Trung Quốc vào Anh đạt 7,8 tỷ euro, tương đương 22,3% và Pháp chỉ là hơn 2 tỷ euro, tương đương 6%.

Lĩnh vực máy công cụ chiếm hơn 1/3 tổng giá trị giao dịch của Trung Quốc tại EU năm đó, chủ yếu ở Đức.

Trung Quốc đã thâu tóm công ty Kuka Robotics sau khi công ty này được công ty Midea (Trung Quốc) và tập đoàn KraussMaffei (Đức) mua lại, sau đó tiếp tục được chuyển nhượng cho Tập đoàn cơ khí quốc gia Trung Quốc (ChemChina). Đây là thương vụ mua lại lớn nhất của Trung Quốc tại Đức vào thời điểm đó, vì ChemChina đã phải chi khoản đầu tư không dưới 1 tỷ euro.

Sự hiện diện của Trung Quốc trong các năm 2015 và 2016 ở Đức, Anh và Pháp đã gây ra nhiều lo ngại cho các nước liên quan, khiến các nước này phải sửa đổi các quy tắc kiểm soát đầu tư nước ngoài.

Để đối phó với những khó khăn mới gặp phải, từ mấy năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tập trung vào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Năm 2011, công ty China Three Gorges Corporation của Trung Quốc từng tuyên bố mua 23,3% cổ phần của Công ty năng lượng Bồ Đào Nha (EDP) với giá 2,7 tỷ euro, qua đó nắm giữ hơn 1/3 công ty này.

Ngân hàng tư nhân đầu tiên của Bồ Đào Nha do tập đoàn Fosun của Trung Quốc kiểm soát, hay nhà điều hành hệ thống điện REN có 25% cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn lưới điện Trung Quốc (State Grid).

Đối với lĩnh vực năng lượng, đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc hạt nhân. Năm 2016, công ty Tam Hiệp của Trung Quốc đã mua lại công viên điện gió ngoài khơi từ công ty Meerwind (chuyên sản xuất các tuabin gió ngoài khơi của Đức).

Công ty này cũng đang tìm cách đa dạng hóa các hoạt động của mình ở châu Âu trước sự bão hòa của thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc thường tập trung đầu tư các lĩnh vực liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng của EU do ba yếu tố.

Thứ nhất, EU đã đi đầu trong phát triển công nghệ và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, EU đã đặt ra các mục tiêu ràng buộc như gói khí hậu năng lượng năm 2008. Do đó, những ưu đãi về tài chính thường rất lớn nên đã kích thích mạnh thị trường.

Thứ hai, môi trường chính trị và kinh tế thuận lợi ở châu Âu đã cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư và phát triển các công nghệ chủ chốt trong các lĩnh vực mà các công ty này ngày nay đang đứng đầu và dẫn đầu thế giới.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng năm 2008 và các kế hoạch kích thích kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng này đã làm giảm thiểu rủi ro, cũng như làm giảm bớt giới hạn hành động của các quốc gia và buộc các quốc gia phải thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm bớt thâm hụt ngân sách và nợ công kể từ năm 2010.

Các lĩnh vực tăng trưởng xanh đã bị ảnh hưởng (đặc biệt là trong trường hợp của ngành quang điện) và các công ty thường gặp khó khăn khi đối mặt với sự sụt giảm của viện trợ và trợ cấp nhà nước dẫn đến tình trạng sụt giảm nhu cầu.

Chiến lược đầu tư của Trung Quốc

Theo đánh giá của giới nghiên cứu kinh tế, khác với phương Tây, Trung Quốc chủ trương quốc tế hóa các công ty mới nổi dựa trên ba mục tiêu: Liên kết, đòn bẩy và học hỏi (liên kết và phụ thuộc, ảnh hưởng của đòn bẩy và học hỏi).

Quá trình quốc tế hóa được thực hiện theo cách các công ty Trung Quốc hợp tác với các công ty công nghệ cao châu Âu, từ đó hưởng lợi từ các đòn bẩy và đẩy nhanh việc học hỏi, sau đó là giành lại năng lực.

Bên cạnh đó, có nhận định cho rằng việc định vị thị trường và huy động nguồn lực cũng là hai yếu tố trong quá trình quốc tế hóa của các công ty Trung Quốc, tạo điều kiện để các công ty Trung Quốc tăng cường lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, còn một số lý do khác như các công ty Trung Quốc tìm kiếm năng lực sản xuất mới, mua lại các công nghệ mới hoặc bí quyết mới, tiếp cận thị trường và tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, hoặc mua lại các tài sản với giá tương đối rẻ trong thời kỳ khủng hoảng.

Đối với các công ty đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, các công trình ngày càng hiếm hơn.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu trong các lĩnh vực này có điểm chung là mục tiêu nhằm củng cố năng lực trong các công nghệ hoặc dịch vụ chính liên quan đến chuỗi giá trị ngành.

Điển hình là trường hợp của công ty Engensa của Anh chuyên về quang điện đã được công ty Hanergy của Trung Quốc mua lại vào năm 2013. Thương vụ này thực ra chỉ tiếp nối hai thỏa thuận trước đó liên quan đến việc sáp nhập công nghiệp của Hanergy, công ty đã mua lại công ty năng lượng MiaSolé của Mỹ và Solibro của Đức vào năm 2012.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, các công ty được mua lại đang gặp khó khăn về tài chính nên doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội mua lại những tài sản này với giá tương đối thấp.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không ngần ngại chuyển sang các cấu trúc nhỏ, như trường hợp của công ty Vensys của Đức, chuyên sản xuất tua-bin gió, và công ty Goldwind của Trung Quốc đã mua lại 70% tài sản của Vensys vào năm 2008.

Như vậy, Goldwind có quyền tiếp cận các công nghệ bổ sung cho những công nghệ mà công ty này có sẵn, đặc biệt là công nghệ của máy phát điện nam châm vĩnh cửu.

Sự bùng nổ trong đầu tư của Trung Quốc đã nâng cao nhận thức của các Chính phủ châu Âu về nguy cơ đánh mất tiến bộ công nghệ của châu Âu và chuyển giao công nghệ sử dụng kép (dân sự và quân sự) cho Trung Quốc.

Trước những nguy cơ hiện hữu từ phía các công ty Trung Quốc, Đức đã triển khai các biện pháp chưa từng có ở đất nước này. Tháng 7/2018, Chính phủ Đức đã yêu cầu Ngân hàng phát triển nhà nước KfW mua 20% cổ phần của công ty 50Hertz- Transmission-GmbH, một trong những công ty khai thác mạng điện lớn nhất ở Đức, do đó ngăn chặn được nỗ lực mua lại của tập đoàn China-Grid-Corp của Trung Quốc.

Không lâu sau, Đức một lần nữa ngăn chặn sự tiếp quản của Trung Quốc bằng cách ngăn tập đoàn Yên Đài Taihai mua công ty Leifeld-Metal-Spin, một công ty của Đức chuyên sản xuất kim loại có đặc tính kỹ thuật cao cho ngành hàng không vũ trụ và hạt nhân. Lần đầu tiên, Chính phủ Đức đặc biệt viện dẫn những lo ngại về an ninh khi kích hoạt quyền phủ quyết chống lại thương vụ mua bán này.

Trong bối cảnh đó, cơ chế sàng lọc (kiểm soát) châu Âu đối với các khoản đầu tư nước ngoài, được đề xuất bởi Đức và Pháp vào năm 2017 và được các tổ chức châu Âu thông qua vào tháng 11/2018, đã ra đời.

Tuy nhiên, châu Âu phải đối mặt với một sự phân chia thực sự giữa các nguyên tắc di chuyển tự do và thị trường mở, cũng như mối quan tâm về vấn đề an ninh của một số chính phủ châu Âu nhằm bảo vệ các lĩnh vực quan trọng.

Các nước châu Âu vẫn chưa thực sự đoàn kết trong việc phân tích rủi ro so với các cơ hội từ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Điển hình như Đức vẫn phụ thuộc vào mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Các quốc gia Nam Âu, bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vẫn khá cởi mở với đầu tư của Trung Quốc.

Sự bất cân xứng là có thật và những rủi ro là rõ ràng. Cho đến gần đây, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc không thể sở hữu hơn một nửa liên doanh và phải chấp nhận chuyển giao công nghệ.

Trái lại, tại châu Âu, các công ty Trung Quốc không phải chịu những ràng buộc về quy định này và các công ty này cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc thông qua bảo lãnh ngầm từ chính quyền trung ương.

Hầu hết các công ty Trung Quốc đã phát triển tại thị trường châu Âu bằng cách tận dụng quy mô thị trường, bảo hộ và đầu tư của nhà nước và các chính sách công nghiệp, chính sách nghiên cứu và phát triển, cũng như các quy định thích hợp.

Trong trường hợp của các ngành chuyển đổi năng lượng, những thách thức là rất quan trọng vì đây không chỉ đơn thuần là các ngành đang phát triển mạnh và là trung tâm của công nghệ tương lai.

Các lĩnh vực này tác động đến các nhà khai thác và hoạt động kinh doanh quan trọng chiến lược, thậm chí có tính sống còn đối với mỗi quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục