Muối được mùa, diêm dân lại phen khốn đốn

Được mùa thu hoạch muối nhưng diêm dân ở các tỉnh Nam Trung bộ trở vào đang đứng ngồi không yên do giá muối liên tục hạ.
Được mùa thu hoạch muối nhưng diêm dân ở các tỉnh Nam Trung bộ trở vào đang đứng ngồi không yên do giá muối liên tục hạ.

Trong khi đó, việc đề nghị nhập thêm khoảng 260.000 tấn muối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2010 càng làm cho các diêm dân lao đao.

Để cứu vãn tình thế này, Bộ Công Thương vừa quyết định tạm ngưng cấp hạn ngạch nhập khẩu muối cho doanh nghiệp trong năm 2010, yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng muối trong nước. Quyết định kịp thời này là phao cứu hàng ngàn diêm dân trước nỗi khổ được mùa mất giá.

Muối “đắng”

Giá muối đang hạ “không phanh” khiến diêm dân các vùng muối như ngồi trên đống lửa, phải bán đổ bán tháo vì sợ vào vụ chính sẽ rẻ hơn. Theo các diêm dân, giá muối đầu vụ thu hoạch đang ở mức thấp nhất 5 năm qua.

Ông Huỳnh Văn Tấn, xã Ninh Diêm, huyện Niêm Hòa (Khánh Hòa) chỉ vào những đống muối nằm trơ dưới nắng ở đồng muối Hòn Khói, một thời giúp diêm dân vùng này làm giàu, thở dài: “Muối rẻ, không bán được, bà con đành bỏ ngoài đồng.”

Theo ông Tấn, từ khi ra Tết đến nay, giá muối hạt giảm từ 900.000 đồng/tấn (cuối năm 2009) xuống còn 290.000 đồng/tấn. Dù giá rẻ, diêm dân vẫn bán đổ bán tháo. Không chỉ mình bà con diêm dân “sốt ruột” cùng giá muối, ngay cả các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất muối trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đang loay hoay trong việc kiềm chế để không bị mất giá quá.

Ông Lê Hữu Khái, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã muối 1.5 Ninh Diêm cho biết: “Năm 2009, hợp tác xã bán muối với giá bình quân 1,4 triệu đồng/tấn. Hiện nay, dù giá giảm chỉ còn 1/3 nhưng người mua cũng không mấy mặn mà.”

Ngay Công ty cổ phần Muối Khánh Hòa, đơn vị chiếm 60% sản lượng muối công nghiệp hàng năm của tỉnh, giá muối hiện tại cũng chỉ giữ được 900.000 đồng/tấn muối công nghiệp. Tương tự, tỉnh Bạc Liêu mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 100.000 tấn muối các loại, giá từ 1.500-2.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, đầu mùa vụ này giá giảm hơn gấp đôi. Muối trắng chỉ còn 900-1.100 đồng/kg, muối đen 300-500 đồng/kg. Dù giá muối giảm mạnh nhưng cũng không có thương lái đến mua.

Tại tỉnh Ninh Thuận, cách đây 2 năm giá muối tăng cao với giá kỷ lục gần 1,5 triệu đồng/tấn, nhưng giờ chỉ còn 450.000-500.000 đồng/tấn. Ông Đặng Văn, một diêm dân lâu đời ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải tính toán: “Với cái giá này, diêm dân từ hòa đến lỗ vốn”.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho biết thêm, nghề làm muối ở Ninh Thuận từng được xem như một nghề “hong nước đổi vàng”.

Vậy mà bây giờ nghe đến chữ muối là bà con diêm dân lại nhìn nhau lắc đầu. Thế nhưng, với họ không làm muối thì cũng chẳng biết làm gì, ở cái vùng đất nhiễm mặn, quanh năm 11 tháng nắng thì làm muối là lựa chọn tối ưu. Giờ giá muối như thế này, không biết diêm dân tỉnh Ninh Thuận sẽ chịu đựng được đến bao giờ.

Trong khi đó, giá cả cái gì cũng đắt đỏ, nhiều diêm dân lo lắng vì cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chị Mai Lý, làm ở Hợp tác xã muối 1.5 Ninh Diêm cũng chia sẻ: “Hai vợ chồng làm công ở đây, trước xúc đóng bao 1 tấn muối được 70.000 đồng, nay chỉ còn 30.000 đồng/ ngày, gia đình tôi phải chắt chiu mới đủ sống.”

Nỗ lực kìm giá

Theo ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu, giá muối giảm chủ yếu là do trên thị trường đang có một lượng muối Ấn Độ nhập vào khá lớn với giá rẻ hơn, kéo giá muối trong tỉnh giảm theo.

Vì vậy, nhiều thương lái, doanh nghiệp đã mua muối tại địa phương pha với muối Ấn Độ để sản xuất hoặc bán lại nhằm có lợi nhiều hơn. Điều đó cũng góp phần làm giá muối sản xuất tại chỗ giảm.

Ngoài ra, thông tin tháng 3 này, Bộ Công Thương sẽ cho nhập 170.000 tấn muối trong tổng số 260.000 tấn sẽ được nhập trong năm 2010, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá muối trong nước.

Nhiều thương lái đã tìm cách ép giá, còn các đơn vị tiêu thụ muối lớn thì điều tiết mua muối để chờ nghe ngóng tình hình. Để bán được muối, nhiều diêm dân sản xuất tự do đã bán phá giá để cạnh tranh, từ đó đẩy giá muối xuống nhanh.

Chính vì vậy, Hợp tác xã muối 1.5 Ninh Hòa đang phải tạm trữ để giữ mặt bằng giá 500.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, ông Lê Hữu Khái lo lắng: “Nếu kéo dài tình trạng này, khi vào vụ chính sẽ khó kìm giá được.”

Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 3.400ha muối, đã thu hoạch hơn 71.000 tấn muối. Tuy nhiên, lượng muối tồn đọng trong dân đang chiếm khoảng 70%.

Ông Lê Hữu Khái, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã muối 1.5 Ninh Diêm cho rằng, nhằm giảm bớt rủi ro cho diêm dân, Chính phủ nên hình thành mức giá sàn ổn định để người dân và doanh nghiệp sản xuất muối giảm bớt phụ thuộc vào thị trường. Bởi nếu không có một mức giá sàn ổn định và chiến lược phát triển cụ thể, ngành công nghiệp muối khó có chỗ đứng vững chắc trong khi tiềm năng muối có thừa./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục