MWG: Từ thị trường điện máy bão hòa đến siêu thị thực phẩm thách thức

Trong bối cảnh thị trường điện thoại di động có xu hướng bão hòa thì việc suy giảm tỷ trọng doanh thu là tất yếu, Thế giới di động mở rộng kinh doanh sang bán lẻ thực phẩm với thách thức là không nhỏ.
MWG: Từ thị trường điện máy bão hòa đến siêu thị thực phẩm thách thức ảnh 1Tư vấn cho khách hàng tại một cửa hàng Điện máy Xanh. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Báo cáo kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư thế giới di động (mã MWG – HoSE), doanh thu thuần hợp nhất trong quý 3 của Công ty đạt 65.500 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế đạt 2.180 tỷ đồng, tăng tương ứng 37% và 34% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của MWG là điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ, hiện đang chiếm khoảng 43% thị trường. Bên cạnh đó, chuỗi Điện máy xanh với các sản phẩm điện có thị phần khoảng 30% thị phần.

[Doanh nghiệp Việt tự tin trước sức ép hàng ngoại trên "sân nhà"]

Thách thức từ bão hòa thị trường

Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường GFK TEMAX Việt Nam cho thấy, ngành bán lẻ công nghệ điện máy trong quý 3 có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong năm nay, đạt 0,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ nhóm điện thoại gần như không thay đổi. Ngoài ra, các nhóm ngành điện tử, điện lạnh, gia dụng có mức tăng trưởng lớn nhất chỉ khoảng 5% và nhóm công nghệ thông tin, thiết bị văn phòng trên đà giảm sút.

Song trái với xu hướng chung, MWG vẫn lội ngược dòng nước với mức doanh thu tại các nhóm ngành điện thoại, điện tử, điện lạnh và gia dụng tăng trưởng 28% so với cùng kỳ.

Nhưng xét về giá bán, mỗi sản phẩm tiêu thụ đã có mức trung bình thấp hơn so với các quý trước đồng thời hiện cũng là mùa thấp điểm của ngành bán lẻ điện máy trong năm. Thêm vào đó, những phân tích từ báo cáo của Công ty cho hay, yếu tố thời vụ trong năm nay đã không được bù đắp từ việc mở rộng chuỗi cửa hàng mạnh mẽ như các năm trước, vì vậy doanh thu quý 3 của MWG thấp hơn khoảng 4% so với quý 2.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng doanh thu của mặt hàng di động cho thấy đã chậm hơn so tốc độ tăng trưởng doanh thu chung của Công ty và tỷ trọng mảng kinh doanh này trong tổng doanh thu cũng ngày càng giảm dần. Trong bối cảnh thị trường điện thoại di động có xu hướng bão hòa, việc suy giảm tỷ trọng doanh thu mảng thiết bị di động là tất yếu, ban lãnh đạo MWG đặt mục tiêu đối với mảng này duy trì thị phần dẫn đầu trên thị trường.

MWG: Từ thị trường điện máy bão hòa đến siêu thị thực phẩm thách thức ảnh 2(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)


Bán lẻ: nóng từ hội nhập

Trước xu hướng bão hòa trong ngành bán lẻ điện máy và điện thoại, MWG mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bán lẻ thực phẩm với chuỗi siêu thị Bách hóa xanh với kỳ vọng phủ sóng và chiếm lĩnh thị phần từ chợ truyền thống.

Theo dự báo từ Bộ Công Thương, kênh bán lẻ hiện đại trên thị trường nội địa sẽ chiếm khoảng 45% tổng doanh thu vào năm 2020 cùng với đó xu hướng tiêu dùng hiện đại trên môi trường internet sẽ thúc đẩy hoạt động giao dịch và thanh toán lớn mạnh hơn nhiều so với kênh tiêu dùng truyền thống.

Song, bên cạnh những tiềm năng phát triển theo như dự báo thì thách thức hiện hữu về thị phần lại không hề nhỏ. Trên thị trường, các tên tuổi lớn trên thế giới đã lần lượt xuất hiện, từ TTC Group và Central Group (Thái Lan), Mapple Tree và Kepple Land (Singapore), Lotte và Emart (Hàn Quốc) đến Aeon và Takashimaya (Nhật Bản)… và họ đều có các kế hoạch mở rộng khai thác thị trường tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nội không có lựa chọn nào khác là phải nỗ lực song hành cùng các đối thủ quốc tế mạnh cả về kinh nghiệm, vốn, thương hiệu, quản trị, nghiên cứu tâm lý, xu hướng tiêu dùng.

Kết quả kinh doanh năm 2017, chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh đóng góp 1.387 tỷ đồng doanh thu và chiếm 2,1% tổng doanh thu của MWG song chưa đem lại lợi nhuận. Theo đánh giá từ MWG, chuỗi Bách hóa xanh ghi nhận biên lợi nhuận gộp khoảng 17% cho tháng 9/2018, với mức doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng và biên lợi nhuận gộp tăng trưởng kỳ vọng chuỗi siêu thị sẽ tiệm cận với điểm hoà vốn tại cửa hàng.

Tuy nhiên với tính chất sản phẩm khác hẳn so với nhóm sản phẩm điện thoại, điện máy, sự thành công của MWG trong chuỗi Bách hóa xanh vẫn là câu chuyện trong tương lai.

Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử cũng được MWC thúc đẩy, doanh thu quý 3 từ trang website: vuivui.com của Công ty đạt 8.800 tỷ đồng và tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tiếp theo chiến lược phát triển chuỗi Bách hóa xanh, MWG đặt kế hoạch phát triển phân khúc bán hàng online song song với kênh bán lẻ cửa hàng hiện tại. Song trên thực tế, MWG cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các trang web mua sắm trực tuyến Lazada, Tiki,…

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG chốt phiên ngày 30/11 tại mức giá 87.800 đồng/cổ phiếu./.

MWG: Từ thị trường điện máy bão hòa đến siêu thị thực phẩm thách thức ảnh 3(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục