Mỹ bác bỏ khả năng dính líu đến vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Mỹ nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng những cáo buộc của dư luận về việc Mỹ liên quan đến vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tổn hại đến các mối quan hệ giữa hai nước.
Mỹ bác bỏ khả năng dính líu đến vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Những người ủng hộ Chính phủ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần hành tại quảng trường Taksim ở Istanbul sau khi vụ đảo chính kết thúc ngày 16/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 16/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu rằng những cáo buộc của dư luận về việc Mỹ liên quan đến vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tổn hại đến các mối quan hệ giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: "Ông Kerry đã khẳng định rõ rằng Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra, nhưng những lời nói bóng gió hay cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành là hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương giữa hai nước."

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry và ông Cavosoglu cũng thảo luận về sự cần thiết phải tập trung vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc người đứng sau âm mưu này là giáo sỹ cựu thù Fethullah Gülen sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999, trong khi Thủ tướng Binaila Yildirim cũng tố cáo cuộc nổi dậy do phong trào của ông Gülen tiến hành.

Tuy nhiên theo các nguồn tin an ninh từ Berlin, Chính phủ Đức không đồng tình với cáo buộc nêu trên của ông Erdogan. Báo Tấm gương của Đức ngày 16/7 dẫn các nguồn tin an ninh cho biết Chính phủ Đức hoài nghi cáo buộc cho rằng âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ được điều hành từ Bắc Mỹ.

Một phân tích an ninh sau vụ việc trên cho rằng giáo sỹ Gülen hoàn toàn không có liên hệ gì với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài ra, ông này khuyến khích những người ủng hộ thực hiện sự chuyển đổi về chính trị, chứ không phải bằng bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phân tích cho rằng, việc ông Erdogan cáo buộc những người thân tín cũ của mình thực hiện âm mưu đảo chính là cái cớ để Ankara tiếp tục "tội phạm hóa" ông Gülen cũng như những người ủng hộ ông này.

Tình báo Đức hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân thực sự của vụ đảo chính, song nhận định rằng "một nhóm nhỏ đại tá và thiếu tá thuộc lực lượng lục quân ủng hộ chủ nghĩa Kemal thế tục đã tiến hành âm mưu đảo chính."

Trước đó, Tổng thống Erdogan đã đề nghị người đồng cấp Mỹ Barack Obama giao hoặc bắt giữ giáo sỹ Gülen cho nước này, nhấn mạnh rằng nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là những đối tác chiến lược, thì Tổng thống Obama phải hành động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục