Mỹ chỉ đưa ra quyết định về Boeing 737 MAX khi có thêm chứng cớ

Bất chấp nhiều nước trên thế giới ra quyết định ngừng khai thác Boeing 737 MAX, giới chức Mỹ khẳng định sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào cho đến khi có thêm chứng cớ.
Máy bay Boeing 737 MAX 7 tại Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay Boeing 737 MAX 7 tại Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp nhiều nước trên thế giới ra quyết định ngừng khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay tại Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng, ngày 12/3, giới chức Mỹ khẳng định sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào cho đến khi có thêm chứng cớ.

Trong một bức thư gửi hãng tin Pháp AFP, người phát ngôn Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) Lynn Lunsford khẳng định sẽ tiếp tục tham gia điều tra vụ tai nạn máy bay tại Ethiopia và sẽ đưa ra quyết định về các bước tiếp theo dựa trên các chứng cớ thu được.

Hiện FAA đã cử một nhóm đến Ethiopia để phối hợp điều tra.

Trong tuyên bố đưa ra trước đó 1 ngày, FAA cam kết sẽ hành động "ngay lập tức và đưa ra hành động phù hợp" nếu phát hiện bất cứ vấn đề gì liên quan đến an toàn sử dụng loại máy bay Boeing 737 Max.

FAA cho biết cơ quan này sẽ yêu cầu Tập đoàn Boeing (Mỹ) chuẩn hóa thêm đối với thiết kế của máy bay 737 Max và cập nhật hệ thống vận hành trong khoảng thời gian chậm nhất là vào tháng 4 tới.

[Mexico thông báo tạm dừng khai thác máy bay Boeing 737 MAX 8]

Trong khi đó, người đứng đầu Tập đoàn Boeing Dennis Muilenburg đã bày tỏ sự đau buồn trước vụ tai nạn máy bay vừa xảy ra ở Ethiopia ngày 10/3. Tuy nhiên, ông khẳng định hoàn toàn tin tưởng sự an toàn của dòng máy bay 737 Max.

Theo ông, việc đồn đoán hay đề cập đến nguyên nhân của vụ tai nạn mà không có bất kỳ chứng cứ cần thiết nào là điều không phù hợp. Vấn đề này chỉ nên bàn đến khi có kết quả điều tra.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về mức độ an toàn của dòng máy bay được coi là chủ chốt của Boeing sau khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines chở 157 hành khách và phi hành đoàn, đâm xuống đất chỉ vài phút sau khi cất cánh. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng.

Đây là lần thứ hai chỉ trong chưa đầy 6 tháng xảy ra tai nạn liên tiếp liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX. 

Trước đó, trong vụ tai nạn ngày 29/10/2018, máy bay 737 Max của hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã lao xuống biển khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

Mặc dù 1 trong 2 chiếc hộp đen đã được tìm thấy, song nguyên nhân tai nạn vẫn chưa thể xác định.

Trước khi thực hiện chuyến bay định mệnh nay, bộ phận đo vận tốc không khí của máy bay đã từng được ghi nhận gặp trục trặc trong 4 chuyến bay gần nhất, trong đó bao gồm cả chuyến bay cuối cùng.

Sau 2 vụ tai nạn trên, nhiều nước và một số hãng hàng không trên thế giới cũng đã quyết định ngừng khai thác dòng máy bay này. Trong tuyên bố mới nhất, Đức ngày 12/3 đã cấm toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX 8 trên không phận của mình.

Phát biểu trên truyền hình NTV, Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer khẳng định an toàn phải được đặt trên hết, đồng thời yêu cầu tất cả máy bay Boeing 737 Max 8 không được phép hoạt động trên không phận Đức và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Cơ quan Hàng không Ireland (IAA) cũng ra quyết định ngừng tạm thời việc khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX trên không phận nước này. Trong một tuyên bố, IAA nêu rõ quyết định trên được đưa ra như một biện pháp đề phòng sau khi xảy ra hai vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay này.

Cùng ngày, Cơ quan hàng không dân dụng DGAC của Pháp cũng ra thông báo tương tự, cấm dòng máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trên không phận của Pháp.

Trước đó, Ethiopia, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Mông Cổ, Australia, Argentina, Malaysia, Oman, Anh, Na Uy và Mexico đã quyết định ngừng khai thác dòng máy bay này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục