Chiến lược nước đôi

Mỹ công bố chiến lược "nước đôi" đối với Sudan

Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp khích lệ và gây sức ép nhằm thuyết phục Chính phủ Khartoum chấm dứt xung đột và nạn diệt chủng.
Trong chiến lược mới đối với Sudan, công bố ngày 19/10, Mỹ nêu rõ sẽ áp dụng các biện pháp khích lệ và gây sức ép nhằm thuyết phục Chính phủ Khartoum chấm dứt xung đột và nạn diệt chủng ở Dafur.

Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu rõ việc Washington lựa chọn biện pháp nào hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Khartoum, dựa trên những thay đổi "có thể kiểm chứng được" của chính quyền nước này nhằm chấm dứt bạo loạn tại Dafur và ổn định tình hình ở miền Nam Sudan.

Bà khẳng định chính sách của Mỹ là nhằm chấm dứt xung đột, tội ác chiến tranh và nạn diệt chủng tại Dafur cũng như đảm bảo thực hiện đầy đủ Hiệp định hòa bình toàn diện được ký năm 2005 và Sudan không bị biến thành sào huyệt của quân khủng bố.

Củng cố cho quan điểm trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày nêu rõ chính quyền Sudan phải có trách nhiệm thực hiện các bước đi cụ thể theo một hướng mới.

Trong một tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng, ông Obama nhấn mạnh Washington sẽ áp dụng các biện pháp khích lệ nếu Chính phủ Sudan hành động quyết liệt nhằm cải thiện tình hình, tiến tới xây dựng một nền hòa bình.

Trong trường hợp ngược lại, Khartoum sẽ phải đối mặt với sức ép gia tăng từ Washington và cộng đồng quốc tế.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đồng thời cảnh báo Sudan có nguy cơ lún sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn nếu không nhanh chóng hành động và Washington có thể nối lại các biện pháp trừng phạt Khartoum trong tuần này.

Cuộc xung đột ở Dafur bắt đầu vào tháng 2/2003 khi những kẻ nổi dậy thuộc người thiểu số châu Phi cầm vũ khí chống lại Chính phủ Sudan do người Arập chi phối ở Khartoum.

Các quan chức Liên hợp quốc cho biết cuộc xung đột này đã khiến ít nhất 300.000 người chết do bạo lực, bệnh tật và mất nhà cửa. Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến giai đoạn 2003-2005, có khoảng 2,5 triệu người bị mất nhà cửa.

Đây được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Tổng thống Omar al-Bashir của Sudan đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cáo buộc phạm các tội ác chống lại loài người và các tội ác chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục