Ngày 20/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã xác nhận việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Nigeria và phiến quân Boko Haram, song các cuộc đàm phán về việc trả tự do cho hơn 200 nữ sinh bị bắt cóc tại làng Chibok vào tháng Tư vừa qua vẫn đang diễn ra.
Theo bà Harf, "thỏa thuận ngừng bắn đã được thông báo và dường như đã được thực thi". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ "hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, kêu gọi tất cả các đảng phái thực thi và duy trì lệnh ngừng bắn, đồng thời hy vọng thỏa thuận sẽ mang lại hòa bình cho khu vực Đông Bắc Nigeria."
Ngày 17/10, Chính phủ Nigeria tuyên bố đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả các nữ sinh bị bắt cóc với phiến quân Hồi giáo Boko Haram. Tuy nhiên, làn sóng bạo lực tiếp diễn tại bang Borno và Adamawa trong những ngày qua làm tăng nghi ngờ về tính xác thực của tuyên bố trên.
Nguồn tin quân sự cho biết ngày 20/10, binh sỹ Nigeria đã tiêu diệt được 35 phiến quân khi chúng đang tìm cách cướp phá thị trấn Damboa.
Diễn đàn Trưởng lão Borno, một nhóm có ảnh hưởng trong khu vực, cho rằng chỉ có một nhóm thuộc Boko Haram đã tham gia vào thỏa thuận trên. Người phát ngôn của nhóm này nhận định: "Việc tấn công người vô tội và chiếm giữ các khu vực cho thấy không phải toàn bộ các tay súng đã nhận thức được về thỏa thuận ngừng bắn."
Kể từ năm 2009, khi nổi dậy đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria, Boko Haram đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Tây Phi này. Các cuộc tấn công bạo lực liên quan tới lực lượng này đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Ngoài các vụ tấn công đẫm máu, nhóm này còn thực hiện các vụ bắt cóc, điển hình là vụ bắt cóc 200 nữ sinh tại làng Chibok, thuộc bang Borno, khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.
Hồi cuối tháng Năm vừa qua, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã ra lệnh mở một chiến dịch tổng lực nhằm chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan này, tiến tới chấm dứt tình trạng khủng bố trên toàn lãnh thổ Nigeria./.