Mỹ: Giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong hơn một năm do chi phí xăng dầu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng trước đã tăng 0,6% so với tháng Bảy, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 tới nay và phù hợp với dự báo thị trường.
Mỹ: Giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong hơn một năm do chi phí xăng dầu ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/9 cho thấy giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 8/2023 đã tăng mạnh nhất trong hơn một năm do giá xăng tăng cao, nhưng việc lạm phát cơ bản chỉ tăng khiêm tốn có thể khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng trước đã tăng 0,6% so với tháng Bảy, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 tới nay và phù hợp với dự báo thị trường.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá xăng đã tăng nhanh và đạt đỉnh 3,984 USD/gallon vào tuần thứ ba của tháng Tám. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 3,676 USD/gallon trong cùng kỳ tháng Bảy.

[Fed: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng dù chỉ ở mức "khiêm tốn"]

So với cùng kỳ tháng 8/2022, CPI của Mỹ đã tăng 3,7% sau khi tăng 3,2% trong tháng Bảy. Trong khi con số trên đã giảm từ mức đỉnh 9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022, lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu 2% do Fed đặt ra.

Báo cáo được công bố một tuần trước cuộc họp lãi suất của Fed (kéo dài từ ngày 19-20/9) và theo sau báo cáo cho thấy các điều kiện của thị trường lao động Mỹ đã yếu đi trong tháng Tám.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI cốt lõi tăng 0,3% theo tháng và 4,3% theo năm - mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021 và nhỏ hơn con số 4,7% của tháng Bảy.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính phần lớn kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách tại cuộc họp tuần tới. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất chuẩn thêm 525 điểm cơ bản lên mức 5,25% -5,50% như hiện tại.

Tuy nhiên, thị trường nhận định Fed vẫn có khả năng tăng lãi suất vào tháng 11 do lạm phát dịch vụ (không bao gồm nhà ở) vẫn ở mức cao.

Một số nhà kinh tế tin rằng rủi ro lạm phát có xu hướng tăng do chi phí bảo hiểm lên cao, đặc biệt là đối với xe có động cơ.

Chi phí bảo hiểm y tế trong báo cáo CPI cũng dự kiến tăng từ tháng 10 đến mùa Xuân năm tới, sau khi Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ gần đây đã công bố những thay đổi về phương pháp đo lường những chi phí này.

Ngoài ra, một cuộc đình công trong lĩnh vực ôtô có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá xe cơ giới tăng cao nếu nó kéo dài hơn một tháng.

Tháng trước, các thành viên của liên đoàn lao động ngành ôtô United Auto Workers đã bỏ phiếu ủng hộ ngừng làm việc tại các hãng xe lớn gồm General Motors, Ford Motor và Stellantis, nếu các bên không đạt được thỏa thuận về kế hoạch tiền lương và lương hưu trước khi hợp đồng kỳ hạn bốn năm hiện tại hết hạn vào ngày 14/9. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục