Mỹ hy vọng Brazil sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị

Theo ông Obama, Brazil có nền dân chủ đủ vững chắc cũng như hệ thống pháp luật và cơ cấu đủ mạnh để cho phép nước này giải quyết cuộc khủng hoảng
Mỹ hy vọng Brazil sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ảnh 1Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ mong muốn Brazil giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện này một cách hiệu quả, đồng thời khẳng định khu vực và thế giới cần “một Brazil vững mạnh và hiệu quả.

Trả lời tại buổi họp báo nhân chuyến thăm Argentina, Tổng thống Obama nhấn mạnh Brazil là một nước lớn và là bạn của Mỹ cũng như Argentina…

Theo ông Obama, Brazil có nền dân chủ đủ vững chắc cũng như hệ thống pháp luật và cơ cấu đủ mạnh để cho phép nước này giải quyết cuộc khủng hoảng, cũng như trở thành một nước lớn trên thế giới. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định thế giới cần một Brazil "vững mạnh và hiệu quả" vì kinh tế của các nước cũng như vì nền hòa bình thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Argentina Mauricio Macri bày tỏ tin tưởng Brazil sẽ nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng hiện nay đồng thời cho biết cả hai nhà lãnh đạo vẫn theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại nước láng giềng này. Ông cũng cho rằng những gì diễn ra tại Brazil sẽ ảnh hưởng tới Argentina.

Trong một diễn biến có liên quan tới tình hình Brazil, cùng ngày, Chính phủ Paraguay tuyên bố sẽ không ký tuyên bố chung của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cũng như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), trong đó có nội dung bày tỏ ủng hộ đối với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Đại diện Bộ Ngoại giao Paraguay cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Brazil và nước này tôn trọng các thể chế của quốc gia Nam Mỹ.

Khủng hoảng chính trị ở Brazil liên tục leo thang trong thời gian qua với các cáo buộc Tổng thống Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Tuy nhiên, chính quyền bà Rouseff tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính.

Cũng trong ngày 23/3, Tổng thống Rouseff đã phải thừa nhận có rạn nứt trong liên minh cầm quyền khi cho biết chính phủ nước này đang nỗ lực thương lượng để đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD), của Phó Tổng thống Michel Temer, ở lại trong liên minh.

Tính đến nay đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng trong vụ bê bối này, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục