Mỹ: Kế hoạch phòng thủ tên lửa không đe dọa Nga

Ngày 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO không đe dọa Nga.
Mỹ: Kế hoạch phòng thủ tên lửa không đe dọa Nga ảnh 1Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại sân bay quân sự Diyarbakir ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/3/2003. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định tiếp tục theo đuổi chương trình phòng thủ tên lửa ở châu Âu và cho rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đe dọa Nga.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí ngày 16/12 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Nga Sergey Shoygu, ông chủ Lầu Năm Góc Mỹ nhấn mạnh nỗ lực phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO không đe dọa Nga và hối thúc hai bên tiếp tục tham vấn về các kế hoạch phòng thủ tên lửa trong tương lai tại châu Âu.

Bộ trưởng Hagel nêu rõ Kế hoạch Hành động chung của nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) về vấn đề hạt nhân của Iran không loại bỏ nhu cầu của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc tiếp tục thực hiện các kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Trong cuộc điện đàm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nga cũng thảo luận về một số vấn đề nóng khác như các nỗ lực gần đây trong việc loại bỏ kho vũ khí hóa học của Syria với sự hậu thuẫn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), vấn đề an ninh mạng, chống thiết bị nổ tự chế...

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì việc tham vấn, trao đổi thường xuyên về các vấn đề quốc tế quan trọng.

Bất đồng giữa Nga và phương Tây về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu vẫn chưa có lối thoát. Mỹ và đồng minh khẳng định lá chắn tên lửa này là nhằm vào các mối đe dọa tên lửa tiềm tàng từ các nước như Iran.

Tuy nhiên, Moskva lo ngại kế hoạch này cuối cùng sẽ phát triển đủ mạnh để đánh chặn các tên lửa của Nga, vì thế làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của nước này.

Nga đã nhiều lần yêu cầu Mỹ và NATO đưa ra bảo đảm pháp lý hệ thống phòng thủ này không nhằm chống lại Nga, song đã không được chấp nhận.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 16/12, Moskva đã thông báo triển khai các tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới khu vực khu vực Kaliningrad sát biên giới của các quốc gia láng giềng, đó có Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic, như một biện pháp phòng ngừa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục