Mỹ không muốn tham gia bắn hạ tên lửa trên bầu trời Ukraine

Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 3/10 tuyên bố nếu các lực lượng phương Tây phá hủy tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine, thì hành động này sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột.

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời câu hỏi về khả năng bắn hạ tên lửa của Nga từ lãnh thổ Ba Lan hoặc Romania, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 3/10 tuyên bố nếu các lực lượng phương Tây phá hủy tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine, thì hành động này sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột.

Tuy nhiên, Kiev có khả năng tự vệ và Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những sự hỗ trợ cần thiết.

Theo bà Singh, Mỹ và các nước khác có nguồn dự trữ tên lửa tầm xa hạn chế, và yêu cầu quan trọng là phải đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine khi quyết định sử dụng loại vũ khí này.

Tình báo Mỹ đã cảnh báo Washington và các đồng minh về những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng khi cho phép Ukraine tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.

Trong một diễn biến khác, sau cuộc họp với với tân Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các nước phương Tây chưa sẵn sàng bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga trên bầu trời Ukraine.

Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng Warsaw có nghĩa vụ bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine, bất chấp lập trường của NATO.

Sau đó, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana lưu ý liên minh này có thông lệ phải tham khảo ý kiến trước khi tham gia vào những hành động có thể gây ra hậu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục