Mỹ Latinh cần tăng cường biện pháp kinh tế vĩ mô

Theo ECLAC, Mỹ Latinh cần giám sát tính bền vững của hệ thống tài chính và tăng biện pháp vĩ mô trước tác động xấu của toàn cầu.
Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) cảnh báo các nền kinh tế trong khu vực cần thận trọng hơn trong quản lý kinh tế vĩ mô, giám sát tính bền vững của hệ thống tài chính và tăng cường các biện pháp vĩ mô trước các tác động xấu của kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo tổng quan công bố ngày 30/8 về hội nhập trong năm 2011, ECLAC đã dự đoán tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm nay là 4,4% - giảm 0,3% so với dự báo trước đó.

Theo Thư ký điều hành, bà Alicia Bárcena, sở dĩ chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực giảm là do tình hình kinh tế quốc tế không thuận lợi, cụ thể là cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và Mỹ.

Báo cáo dự báo kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh và Caribe sẽ đạt mức tăng trưởng 27% trong tài khóa này, trong đó 9% là tăng về lượng và 18% là giá trị của sản phẩm xuất khẩu trong khu vực. Đối với Brazil, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, ECLAC giảm dự báo tăng trưởng từ 4% xuống 3,5%.

Trao đổi thương mại Nam-Nam, dẫn đầu là Trung Quốc và phần còn lại là các nền kinh tế châu Á mới nổi, hiện là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại thế giới. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển tăng 17% năm 2010, cao hơn 4% so với các nước công nghiệp.

Trong thập niên qua, tỷ trọng trao đổi thương mại giữa châu Á và Mỹ Latinh đã tăng đáng kể, trái ngược với sự suy giảm trong cán cân thương mại giữa khu vực này với Mỹ và các đối tác châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực sang châu Á đã tăng bình quân 300% trong năm năm qua. Hiện Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ Latinh và Caribe với mức tăng trưởng thương mại bình quân lên đến 31%/năm.

ECLAC đánh giá Mỹ Latinh và Caribe đã gặt hái nhiều thành công trong những năm vừa qua, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2003-2008, phục hồi nhanh chóng trong năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cân bằng về tài chính, lạm phát thấp và nợ công cũng như tỷ lệ đói nghèo giảm.

Trong triển vọng trung hạn, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và tiềm năng của thị trường sẽ giúp Mỹ Latinh và Caribe nâng cao vị thế trong đàm phán với các đối tác kinh tế chính.

Tuy nhiên, để hội nhập tốt hơn, các nước trong khu vực phải vượt qua một số thách thức như cần đánh giá lại chiến lược của liên minh toàn cầu và khu vực nhằm tận dụng các cơ hội trong thương mại và đầu tư của hợp tác Nam-Nam, cũng như cách tiếp cận thị trường châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ Latinh và Caribe cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, quản lý tốt các nguồn tài nguyên và cần đẩy mạnh đổi mới.

ECLAC kêu gọi các nước trong khu vực tận dụng ưu thế của mình nhằm tăng vị thế trên bàn thương lượng tại các diễn đàn thế giới như vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu, chống biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục