Mỹ loại bỏ vấn đề cải tổ IMF khỏi gói cứu trợ Ukraine

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện đã đồng ý loại bỏ vấn đề cải tổ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khỏi dự luật về khoản viện trợ cho Kiev.

Trong một động thái được cho là nhằm đẩy nhanh tiến độ thông qua gói cứu trợ cho Ukraine và thể hiện sự khoan nhượng trước sức ép của phe Cộng hòa, ngày 25/3, nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, đã đồng ý loại bỏ vấn đề cải tổ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khỏi dự luật về khoản viện trợ cho Kiev, giúp văn kiện này dễ dàng được thông qua tại lưỡng viện quốc hội nước này.

Phát biểu trước báo giới tại bang Nevada, Thượng nghị sỹ Reid nhận định rằng khoản bảo lãnh tín dụng 1 tỷ USD cho chính phủ tạm quyền Ukraine sẽ vấp phải không ít khó khăn tại Hạ viện nếu kèm theo yêu cầu cải tổ IMF mà lâu nay chính quyền Tổng thống Barack Obama mong muốn.

Khẳng định đa số Thượng viện ủng hộ văn kiện với đầy đủ các điều khoản này, song ông Reid thừa nhận sự phản đối cứng rắn và kịch liệt từ phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện đối với các yêu cầu cải cách IMF - cho rằng các cuộc cải cách này quá tốn kém vào thời điểm ngân sách bị cắt giảm và không liên quan trực tiếp tới khoản viện trợ cho Ukraine - có thể khiến khoản cứu trợ này bị trì hoãn trong khi Washington cần triển khai nhanh gói viện trợ cho Ukraine.

Đồng quan điểm trong vấn đề này, Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez thừa nhận rằng cần triển khai nhanh gói bảo lãnh tín dụng 1 tỷ USD nhằm đáp trả việc sáp nhập Crimea vào Nga đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tuy nhiên phe Dân chủ sẽ khó có thể đưa văn kiện này trở thành luật trong tuần này nếu kèm theo khoản hỗ trợ cải cách IMF.

Trong khi đó, ông Menendez vẫn khẳng định phe Dân chủ tại Thượng viện sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc cải cách này, đồng thời cam kết Mỹ sẽ cung cấp đầy đủ khoản ngân quỹ trị giá 315 triệu USD hỗ trợ cải cách IMF.

Cùng ngày, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua khoản viện trợ không kèm các điều khoản về cải cách IMF và dự kiến nhanh chóng tiến hành bỏ phiếu thông qua văn kiện này tại Hạ viện.

Động thái nhún nhường trên đã làm hài lòng phe Cộng hòa. Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain bày tỏ sự hài lòng và cho biết sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua khoản vay tín dụng trên vào ngày 27/3.

Phản ứng trước quyết định đầy bất ngờ này, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde tỏ ý vô cùng thất vọng, cho rằng gói hỗ trợ cải cách này không chỉ tăng cường khả năng hỗ trợ của IMF đối với các nước thành viên trong trường hợp cần thiết mà còn gia tăng tính tiêu biểu trong toàn khối.

Bà Lagarde khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cộng sự nhằm hoàn tất tiến trình cải tổ, đồng thời hy vọng chính quyền Mỹ có động thái ưu tiên đối với vấn đề trên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng bày tỏ sự thất vọng không kém. Người phát ngôn của Bộ này, Holly Shulman, trong một thông cáo, nêu rõ sức ép của đảng Cộng hòa dẫn tới quyết định trên thật đáng thất vọng.

Thông cáo nêu rõ, kế hoạch cải cách IMF, vốn bị trì hoãn trong ba năm, không đòi hỏi Mỹ đóng góp thêm tài chính cho thể chế này, mà Washington chỉ có lợi trong việc bảo vệ vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng ngay trong nội bộ IMF, góp phần củng cố cơ cấu của tổ chức này.

Trong khoản bảo lãnh tín dụng 1 tỷ USD vốn được Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng, chính quyền Washington chủ trương dành 150 triệu USD cho viện trợ chính phủ tạm quyền Ukraine và các nước lân cận, đồng thời yêu cầu trừng phạt Nga và các cá nhân người Ukraine tham những, vi phạm nhân quyền và âm mưu gây bất ổn nước Đông Âu này.

Văn kiện này dự kiến sẽ đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội trong tuần này và nhanh chóng đưa lên Tổng thống Obama phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục