Los Angeles ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố

Mỹ: Los Angeles ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố

Ngày 25/11, Sở Cảnh sát Los Angeles, bang California đã ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố.
Mỹ: Los Angeles ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố ảnh 1Biểu tình tại Ferguson. (Nguồn: AP)

Tình hình trật tự trị an tại thị trấn Ferguson, bang Missouri, và một số thành phố lớn của Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối việc tòa tuyên trắng án một cảnh sát bắn chết thanh niên da màu không có vũ trang hồi tháng Tám vừa qua.

Ngày 25/11, Sở Cảnh sát Los Angeles, bang California đã ban bố lệnh báo động chiến thuật toàn thành phố. Quyết định này được đưa ra do lo ngại các cuộc biểu tình có thể diễn ra liên quan đến phán quyết miễn truy tố của bồi thẩm đoàn hạt St. Louis, bang Missouri, đối với viên cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu Michael Brown tại Ferguson.

Theo lệnh báo động trên, các sỹ quan cảnh sát của thành phố Los Angeles được phép thi hành nhiệm vụ ngay cả khi họ không trong ca trực. Phát biểu trước báo giới, Cảnh sát trưởng thành phố Los Angeles Charlie Beck khẳng định lực lượng chức năng sẽ tôn trọng các cuộc biểu tình hợp pháp, song sẽ bắt giữ những người vi phạm pháp luật, gây rối, đập phá hoặc cố tình cản trở giao thông công cộng.

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi các cuộc biểu tình diễn ra suốt đêm 24/11 tại thành phố này. Đã có 3 người bị bắt trong các cuộc biểu tình, trong đó có một người bị tình nghi tấn công một sỹ quan cảnh sát. Lực lượng cảnh sát cũng buộc phải bắn bọt ít sát thương xung quanh khu vực đường cao tốc nhằm tránh tình trạng lộn xộn có thể xảy ra.

Trong khi đó, tại thị trấn Ferguson, "tâm bão" của các cuộc bạo loạn, chính quyền bang Missouri đã phải tăng gấp ba lần vệ binh quốc gia triển khai tại đây lên hơn 2.000 người để đảm bảo trật tự trị antại thị trấn xảy ra vụ việc đáng tiếc nói trên. Sở Cảnh sát Ferguson cũng đã tăng cường thêm 50 cảnh sát chống bạo động chốt chặn bên ngoài trụ sở để đối phó với nhóm biểu tình. Theo nhận định, các nhóm biểu tình diễn ra trong ngày 25/11 đã có phần giảm hơn về quy mô, và không có dấu hiệu bạo lực.

Các cuộc biểu tình còn bùng phát tại nhiều thành phố của Mỹ. Tại New York, nhiều người tuần hành làm cản trở giao thông trên một số cầu và đường hầm Lincoln, một số người đã bị bắt giữ. Trong khi đó, nhiều người đã tập trung tại một số phố ở khu trung tâm thương mại ở Washington, gần Nhà Trắng.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder bày tỏ sự thất vọng trước các vụ biểu tình bạo lực, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng sớm xác nhận danh tính những phần tử tội phạm.

Vụ án mạng tại Ferguson xảy ra hôm 9/8 vừa qua đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn với 21.000 dân chủ yếu là người da màu này mà còn tại nhiều thành phố khác của nước Mỹ, phản đối tình trạng cảnh sát da trắng thường có những hành vi phân biệt đối xử dẫn tới cái chết của các đối tượng là người thuộc các sắc tộc thiểu số.

Tổng thống Barack Obama không chỉ nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế mà còn cử các nhóm thuộc Bộ An ninh Nội địa và Cục Điều tra liên bang (FBI) tới điều tra về vụ này.

Cái chết của thanh niên da màu Brown dưới họng súng cảnh sát cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trên toàn nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, khiến Bộ Tư pháp phải vào cuộc điều tra Sở Cảnh sát Ferguson./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục