Hàng chục tòa nhà, nhà hàng và xe ô tô đã bị đốt cháy, một cảnh sát đã bị trúng đạn, hàng chục người đã bị bắt trong khi làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng tại nhiều thành phố của nước Mỹ. Đó là những diễn biến trong ngày 25/11, một ngày sau khi tòa án tuyên trắng án đối với viên cảnh sát da trắng bắn chết Michael Brown tại thị trấn Ferguson, bang Missouri, Mỹ.
Theo thông báo của cảnh sát thành phố St. Louis, bang Missouri, cho biết đêm 24/11 một cảnh sát đã bị một kẻ có vũ trang bắn bị thương tại University City nằm gần thị trấn Ferguson. Cảnh sát đang tiếp tục cuộc tìm kiếm đối tượng trong vụ nổ súng này.
Với những cột khói lửa nghi ngút, mảnh kính văng ra từ cửa các nhà hàng và tòa nhà bị đập phá, đốt cháy, các nhân chứng cho biết các cuộc biểu tình bạo loạn tại thị trấn Ferguson từ tối 24/11, còn nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra hồi tháng Tám vừa qua.
Ngày 25/11, Thống đốc bang Missouri, ông Jay Nixon đã ra lệnh cho lực lượng Vệ binh quốc gia của bang can thiệp để giải tán các cuộc biểu tình, đồng thời tuyên bố sẵn sàng điều động thêm lực lượng vệ binh từ các căn cứ của bang.
Cho tới chiều 25/11, tổng cộng 61 người bị bắt giữ do các hành động đốt phá tài sản và hôi của. Nhiều khu phố ở Ferguson và các trường học đã phải đóng cửa. Một số chuyến bay đến Ferguson tối 24/11 đã phải hủy bỏ sau khi có tiếng súng nổ ở gần khu vực sân bay. Cảnh sát đã nhiều lần phải sử dụng hơi cay và dùi cui để trấn áp người biểu tình.
Luật sư của gia đình Michael Brown, ông Benjamin Crump, phát biểu trong cuộc họp báo cho biết toàn bộ nhóm luật sư của gia đình Brown đều rất thất vọng với phán quyết mà họ cho là không công bằng của tòa án thành phố St. Louis.
Ông Crump cho biết ông và nhóm luật sư của gia đình Brown sẽ đẩy vụ này lên tòa án liên bang, đồng thời kêu gọi người dân Ferguson tối 25/11 tiếp tục biểu tình hòa bình phản đối quyết định của tòa án St. Louis.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều thành phố của nước Mỹ ( Los Angeles, New York, Oakland, Chicago...) để phản đối phán quyết mà họ cho là “mang tính phân biệt chủng tộc” của tòa án thành phố St. Louis.
Tổng thống Barack Obama cũng đã phải một lần nữa lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế để không dẫn tới những hậu quả xấu hơn. Vụ Ferguson đã và đang khơi dậy mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư thiểu số với lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm những người da trắng.
Ngày 25/11, Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ), Zeid Al-Hussein đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước làn sóng biểu tình đang diễn ra ở Ferguson và nhiều nơi khác trên đất Mỹ. Ông kêu gọi người biểu tình kiềm chế và yêu cầu nhà chức trách không sử dụng bạo lực, và không có thái độ phân biệt đối xử đối với người biểu tình.
Ông khẳng định người dân có quyền bày tỏ sự bất bình đối với mọi phán quyết của tòa án, song quyền này không được dẫn đến việc vi phạm quyền con người hay làm tổn hại đến lợi ích của cá nhân hoặc xã hội.
Trong khi đó, Đại diện Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề nhân quyền Konstantin Dolgov cho rằng các cuộc biểu tình bạo động đang diễn ra ở Ferguson, bang Missouri, cho thấy những vấn đề trong nước nổi cộm tại Mỹ bắt nguồn từ việc Washington không tôn trọng nhân quyền. Ông Dolgov nhấn mạnh giới chức Mỹ cần tập trung giải quyết những vấn đề nói trên, đặc biệt là đảm bảo nhân quyền./.