Mỹ nghiên cứu trường hợp hội chứng viêm nhiễm hiếm liên quan COVID-19

Một chuyên gia y tế Mỹ cho biết 3 bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đang được điều trị về một hội chứng viêm nhiễm hiếm gặp.
Mỹ nghiên cứu trường hợp hội chứng viêm nhiễm hiếm liên quan COVID-19 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Cidrap)

Một chuyên gia y tế Mỹ cho biết 3 bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đang được điều trị về một hội chứng viêm nhiễm hiếm gặp, tương tự những trường hợp đang gây lo ngại cho giới y tế tại Anh, Italy và Tây Ban Nha.

Cả ba bệnh nhi-trong độ tuổi từ 6 tháng đến 8 tuổi–đều đang được điều trị tại Trung tâm y tế Đại học Columbia ở thành phố New York. Các em đều bị sốt, có hiện tượng viêm ở tim và ruột.

Giáo sư Mark Gorelik-một chuyên gia về thấp khớp và miễn dịch nhi khoa, cho biết ông đã được yêu cầu đến trung tâm trên để xét xét các trường hợp trên, nhằm đánh giá khả năng các em nhỏ này có mắc hội chứng Kawasaki hay không.

Hội chứng Kawasaki, được đặt tên theo tên một bác sĩ nhi khoa người Nhật Bản, là bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi gây sốt cấp tính kèm phát ban toàn thân và viêm động mạch vành cung cấp máu cho tim.

Kawasaki còn được gọi là hội chứng da niêm mạc (mucocutaneous) hạch bạch huyết vì nó cũng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, da và màng nhầy bên trong mũi, miệng và cổ họng.

Hiện các chuyên gia y tế tại Italy và Anh cũng đang điều tra về khả năng liên quan giữa dịch COVID-19 và hội chứng Kawasaki, sau khi nhiều trẻ sơ sinh nhập viện với các hiện tượng sốt cao và động mạch bị sưng.

[Những thách thức đầu tiên của cuộc đua tìm kiếm vắcxin phòng COVID-19]

Giáo sư Gorelik cho biết ông tin rằng các trường hợp nêu trên có khả năng không mắc hội chứng Kawasaki, nhưng có cơ chế bệnh tương đồng Kawasaki, vốn được cho là do một tác nhân truyền nhiễm kích hoạt gây ra phản ứng miễn dịch.

Chia sẻ quan điểm trên với Giáo sư Gorelik, Giáo sư Roshni Mathew–một chuyên gia khoa Nhi thuộc bệnh viện Nhi Lucile Packard ở thành phố Stanford cho biết hiện chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây hội chứng Kawasaki, nhưng nhiều mầm bệnh đã được coi là tác nhân gây hội chứng này, trong đó bao gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Những gì trải qua đến nay cho thấy trẻ em không có nguy cơ mắc những biến chứng nghiêm trọng của COVID-19, như những trường hợp đã xảy ra đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Columbia cũng đã thực hiện một số nghiên cứu sơ bộ và thấy rằng ít nhất hai trong số các bệnh nhân nêu trên mang gene có thể thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong số 3 bệnh nhi này, hiện chỉ còn 1 ca bệnh nghiêm trọng, 1 ca đang được chăm sóc y tế đặc biệt và 1 ca đã được xuất viện.

Những thông tin trên được giới khoa học Mỹ đưa ra trong bối cảnh nước Anh mới đây đã thông báo về một số trường hợp tử vong ở trẻ em nước này do một hội chứng viêm nhiễm hiếm gặp mà các nhà nghiên cứu tin rằng có liên quan tới COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục