Mỹ rút khỏi INF - an ninh thế giới sẽ đối mặt nhiều thách thức?

Việc Mỹ hủy bỏ hiệp ước đã tạo ra một tiền lệ xấu, có thể khiến các nước khác "học" theo, an ninh thế giới sẽ đối mặt với nhiều mối đe dọa và thách thức hơn.
Mỹ rút khỏi INF - an ninh thế giới sẽ đối mặt nhiều thách thức? ảnh 1Hệ thống Iskander-K có khả năng phóng tên lửa 9M729, loại vũ khí tối tân khiến Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). (Nguồn: Sputnik/TTXVN)

Tờ Đại công báo, nhật báo của Hong Kong, mới đây đã có đăng bài phân tích cho rằng hệ thống an ninh quốc gia của Trung Quốc cần phải cảnh giác trước việc Mỹ rút khỏi “Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung” (INF).

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/2 đã chính thức thông báo với Moskva về việc ngừng tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và bắt đầu thủ tục rút khỏi hiệp ước này.

Kết quả này cũng nằm trong dự đoán của nhiều người.

Về việc Mỹ chuẩn bị rút khỏi INF, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tỏ thái độ cho thấy cuộc đàm phán lần này chỉ là biện pháp sách lược của họ nhằm tìm lý do, lối thoát đẩy trách nhiệm cho Nga.

Theo chi tiết mà phía Nga tiết lộ, trong khi đàm phán, phía Mỹ khẳng định dứt khoát rằng Nga đã vi phạm INF, về cơ bản không muốn lắng nghe đề nghị mang tính xây dựng của Nga, không nghe giải thích của các chuyên gia Nga về tính năng và thông số kỹ thuật của tên lửa 9M729, chỉ yêu cầu Nga tiêu hủy các vũ khí liên quan, thiết bị phóng và thiết bị vận tải.

Theo phía Nga, Mỹ hoàn toàn không có thành ý đàm phán.

Quá trình đàm phán cũng cho thấy chỉ có “thông điệp cuối cùng” mà Mỹ đưa ra cho Nga, chứ không phải là ý nguyện của các bên và phương án đàm phán.

[Mỹ chính thức thông báo với Nga về việc ngừng tuân thủ INF]

Mặc dù phía Nga vẫn muốn tiếp tục thúc đẩy đối thoại với Mỹ, nỗ lực cứu vãn INF, đồng thời kêu gọi châu Âu với tư cách là bên liên quan lợi ích không nên “cùng lập trường với Mỹ,” mà cần phát huy vai trò tích cực trong đàm phán có liên quan.

Tuy nhiên, trong trường hợp Donald Trump khăng khăng rút khỏi hiệp ước, thì kết quả nỗ lực này sẽ uổng công vô ích.

Hậu quả trực tiếp của việc Mỹ rút khỏi INF là châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga.

Mặc dù phía Nga vẫn nỗ lực cứu vãn hiệp ước, nhưng cũng nói rằng nếu Mỹ vẫn cố chấp thì Nga chắc chắn sẽ đáp trả, không còn chịu sự ràng buộc của INF trong việc phát triển tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng Nga không hứng thú với các cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng việc chính phủ Mỹ rút khỏi INF sẽ "dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng."

Một hậu quả nghiêm trọng khác của việc Mỹ rút khỏi INF là lật đổ quân cờ domino, dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.

Các quốc gia có trình độ công nghệ tên lửa tầm trung và tầm ngắn không quá phức tạp, có sức mạnh quốc gia tổng hợp và trình độ công nghệ bình thường cũng có thể tiến hành sản xuất hàng loạt.

Đây được coi là một con đường tắt với vốn đầu tư thấp, hiệu quả nhanh chóng và có thể nâng cao năng lực quốc phòng trong một thời gian ngắn.

Mặc dù INF đã được Mỹ và Liên Xô ký kết, nhưng với tư cách là hiệp ước quốc tế nên cũng có sức ràng buộc vô hình đối với các bên khác.

Giờ đây, việc Mỹ dẫn đầu hủy bỏ hiệp ước đã tạo ra một tiền lệ xấu, có thể khiến các nước khác "học" theo, an ninh thế giới sẽ đối mặt với nhiều mối đe dọa và thách thức hơn.

Việc Mỹ rút khỏi INF một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Trước hết, bất kỳ cam kết nào của Mỹ đều không đáng tin cậy. Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, uy tín quốc tế của Mỹ đã không còn, chính phủ ngày càng trở nên không chắc chắn và khó lường hơn. Trung Quốc bất cứ lúc nào đều phải sẵn sàng ứng phó với những thay đổi của Mỹ.

Thứ hai, phải cảnh giác trước việc Mỹ có thể tăng cường triển khai tên lửa ở Tây Thái Bình Dương sau khi rút khỏi hiệp ước, sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa quân sự mới của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục