Mỹ: SEC tăng cường giám sát IPO của các công ty Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc muốn giao dịch chứng khoán ở Mỹ phải công bố những rủi ro tiềm ẩn của mình, trước khi các cơ quan quản lý Mỹ cho phép họ niêm yết tại thị trường này.
Mỹ: SEC tăng cường giám sát IPO của các công ty Trung Quốc ảnh 1Một chiếc xe điện của XPeng bên ngoài Sàn giao dịch Chứng khoán New York trước thềm IPO. (Nguồn: Reuters)

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) mới đây đã ra yêu cầu các công ty Trung Quốc muốn giao dịch chứng khoán ở Mỹ phải công bố những rủi ro tiềm ẩn của mình, trước khi các cơ quan quản lý Mỹ cho phép họ niêm yết tại thị trường này.

Thông báo được đưa ra vào cuối tuần trước, sau khi Bắc Kinh cho hay sẽ thắt chặt giám sát các công ty nước này niêm yết ở thị trường nước ngoài, bao gồm cả đánh giá về vấn đề bảo mật an ninh mạng của họ.

[Trung Quốc siết chặt quản lý khiến nhiều mã cổ phiếu trượt dốc]

Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler, đặc biệt lưu ý tới các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng các công ty vỏ bọc (shell company) để "lách qua" các quy tắc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần trong các lĩnh vực của Bắc Kinh.

Trong các giao dịch này, công ty Trung Quốc sẽ lập một công ty vỏ bọc ở Quần đảo Cayman hoặc một nơi khác.

Công ty vỏ bọc sẽ bán cổ phiếu của mình cho các nhà đầu tư sau khi niêm yết thành công ở thị trường chứng khoán New York.

Tuy nhiên, những công ty vỏ bọc đó không có quyền sở hữu công ty Trung Quốc.

Thay vào đó, các công ty vỏ bọc này chỉ có hợp đồng dịch vụ. Những thỏa thuận kiểu này được gọi là Mô hình sở hữu đặc biệt (VIE).

Ông Gensler bày tỏ lo lắng rằng các nhà đầu tư bình thường có thể không nhận ra họ nắm giữ cổ phiếu trong một công ty vỏ bọc chứ không phải là một công ty đang vận hành và có trụ sở tại Trung Quốc.

Chủ tịch Gensler cho biết ông đã yêu cầu nhân viên của SEC đảm bảo các công ty như vậy thực hiện một số khai báo trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Các công ty phải cho nhà đầu tư hiểu rõ rằng họ đang mua cổ phiếu của công ty vỏ bọc, không phải là công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Đồng thời, họ phải lưu ý giới đầu tư rằng các động thái trong tương lai của Chính phủ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất tài chính của những công ty này.

Cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc lớn đã lao dốc trong giai đoạn gần đây vì Bắc Kinh đẩy mạnh siết chặt quy định bảo vệ và bảo mật dữ liệu của nước này.

Ví dụ dễ thấy nhất là cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty chuyên về dịch vụ gọi xe công nghệ Didi Global đã liên tục giảm kể từ khi bắt đầu được giao dịch vào cuối tháng Sáu.

Chỉ 4 ngày sau IPO, cổ phiếu của Didi đã giảm gần 20% sau khi công ty được lệnh phải ngừng cho phép người dùng mới đăng ký và xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng trực tuyến tại Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục