Trung Quốc siết chặt quản lý khiến nhiều mã cổ phiếu trượt dốc

Trung Quốc đã ban hành các quy định mới nhằm siết chặt quản lý khiến giá cổ phiếu của các tập đoàn lớn về mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn, dạy thêm sau giờ học cho đến giải trí đều sụt giảm.
Trung Quốc siết chặt quản lý khiến nhiều mã cổ phiếu trượt dốc ảnh 1 Nhân viên của ứng dụng giao thực phẩm Meituan. (Nguồn: AFP)

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã ban hành các quy định mới nhằm siết chặt quản lý các tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn, dạy thêm sau giờ học cho đến giải trí với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia và chống độc quyền.

Tuy nhiên, bước đi cứng rắn này đã khiến giá cổ phiếu của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực trên “lao đao."

Giá cổ phiếu của ứng dụng giao thực phẩm hàng đầu Meituan đã giảm khoảng 15% từ ngày 23/7 sau khi nhà chức trách bất ngờ công bố các quy định mới nhằm bảo vệ người lao động. Theo đó, các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực giao đồ ăn đang bùng nổ của Trung Quốc phải đảm bảo thu nhập cho người giao hàng dựa trên mức lương tối thiểu, cũng như giãn thời gian giao hàng để giảm áp lực cho các tài xế.

Trong những tháng gần đây, cả Meituan và đối thủ Ele.me thuộc sở hữu của Alibaba - hai nền tảng giao đồ ăn phổ biến nhất của Trung Quốc được hàng triệu nhân viên văn phòng lựa chọn, đều hứng chịu chỉ trích về cách đối xử với nhân viên giao hàng, những người mà đa số không có bảo hiểm xã hội và y tế.

Truyền thông địa phương cũng tiết lộ các nhân viên giao hàng phải lựa chọn những tuyến đường nguy hiểm để kịp mang đồ ăn đến cho khách hàng trong thời gian quy định.

Trước đó, hồi tháng Tư, cổ phiếu của Meituan được niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã giảm mạnh khi các cơ quan quản lý phát động cuộc điều tra chống độc quyền đối với siêu ứng dụng phong cách sống của hãng, trong đó cho phép người dùng đặt các dịch vụ giải trí, y tế và thư giãn.

[Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi với tốc độ ổn định]

Lĩnh vực giáo dục cũng bị “sờ gáy” khi Trung Quốc hôm 24/7 đã ban hành các quy định mới nhằm hạn chế việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Lý do vì ngành dịch vụ trị giá 260 tỷ USD này (được ước tính vào năm 2018) đang kiếm lời trên nguồn thu của các gia đình, tạo áp lực khổng lồ đối với nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc và là một trong những lý do khiến nhiều gia đình hạn chế sinh con.

Theo các quy định mới, tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm sau giờ học phải được đăng ký là các tổ chức phi lợi nhuận và không được cấp giấy phép hoạt động mới. Các công ty giáo dục tư nhân không được tổ chức dạy thêm vào ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ.

Việc thay đổi quy định trong lĩnh vực giáo dục tư nhân khiến các nhà sáng lập của các tập đoàn giáo dục lớn như New Oriental và Gaotu Techedu đánh mất danh hiệu tỷ phú khi cổ phiếu của các công ty này lao dốc.

Hồi đầu tháng này, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành lệnh cấm ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng vô thời hạn cho đến khi được phê duyệt lại trong tương lai.

Lý do mà CAC đưa ra là Didi Chuxing đã “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và quy định quốc gia thông qua việc thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người dùng."

Trung Quốc siết chặt quản lý khiến nhiều mã cổ phiếu trượt dốc ảnh 2Ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. (Nguồn: globaltimes.cn)

Giới chức Trung Quốc lo ngại dữ liệu người dùng mà Didi Chuxing có được sẽ rơi vào tay các đối tượng nước ngoài. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi công ty khởi nghiệp này huy động được khoảng 4,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York (Mỹ) vào ngày 29/6.

Theo hãng tin Bloomberg, giá cổ phiếu của Dudu Chuxing đã giảm khoảng 40% kể từ khi niêm yết tại sàn New York và công ty có nguy cơ đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ USD hoặc bị đình chỉ một số hoạt động nhất định.

Trong nhiều năm nay, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách nhất quán về hạn chế đồng bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số phi tập trung khác, và Bắc Kinh đang ngày càng thắt chặt "gọng kìm" đối với tiền kỹ thuật số.

Trung Quốc đã cho đóng cửa các trang trại “đào” tiền kỹ thuật số trên khắp đất nước, bắt giữ hơn 1.000 người vì tội rửa tiền bằng tiền kỹ thuật số vào tháng Sáu vừa qua.

Ủy ban Cải cách và Phát triển của tỉnh Tứ Xuyên đã ban hành nghị định hướng dẫn các công ty năng lượng phát hiện các địa điểm khai thác bitcoin và cắt nguồn cung cấp điện cho các trang trại đó.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc lo ngại các giao dịch tiền kỹ thuật số có thể hỗ trợ đầu tư bất hợp pháp và đe dọa các biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với dòng vốn chảy ra bên ngoài nước này.

Lĩnh vực mua sắm trực tuyến và giải trí cũng không nằm ngoài tầm ngắm của chính phủ. Hồi tháng Tư, đế chế thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã bị cơ quan chống độc quyền phạt tới hơn 18 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD) với lý do “lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường" khi cấm các thương gia quảng cáo sản phẩm trên các trang web của đối thủ.

Chính phủ Trung Quốc cũng mạnh tay siết chặt quản lý những “gã khổng lồ công nghệ” sau nhiều năm ngành này tăng trưởng “vũ bão” nhờ quy định lỏng lẻo. Theo đó, ngày 10/7 vừa qua, Cơ quan Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo ngăn chặn việc sáp nhập hai trang web trò chơi điện tử trực tuyến lớn nhất cả nước theo kế hoạch của “gã khổng lồ công nghệ” Tencent, do những lo ngại về độc quyền.

Hiện Trung Quốc yêu cầu các nền tảng trực tuyến với hơn một triệu người dùng gửi các đánh giá về an ninh mạng trước khi tiến hành IPO ở nước ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến việc niêm yết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục