Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh - Gậy ông đập lưng ông

Trung Quốc nhận định việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh là một bước đi mang tính khiêu khích, vừa phi lý vừa làm tổn hại đến tinh thần đoàn kết quốc tế được thể hiện thông qua Olympic.
Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh - Gậy ông đập lưng ông ảnh 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc Yu Zaiqing tại lễ trao ngọn đuốc Olympic ở Athens, Hy Lạp, ngày 19/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng news.cgtn.com đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/12 xác nhận, như đã được dự đoán từ trước, rằng Mỹ sẽ không cử các quan chức đến Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 để phản đối những hành vi bị cho là vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, nguyên nhân là do Trung Quốc "đang diễn ra nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và các vụ vi phạm nhân quyền khác."

Động thái này của Mỹ là một bước đi mang tính khiêu khích cao, vừa phi lý vừa chỉ làm tổn hại đến tinh thần đoàn kết quốc tế được thể hiện thông qua Thế vận hội.

Đầu tiên và trước hết, các chính trị gia Mỹ không thể tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vì việc tham dự hay không không phải là lựa chọn của họ.

Các quy tắc của Thế vận hội quy định rõ ràng rằng các chính trị gia chỉ được phép tham dự Thế vận hội với tư cách chính thức theo lời mời của Ủy ban Olympic quốc gia của chính nước họ, và quyết định cuối cùng thuộc về Ủy ban Olympic Quốc tế và nước chủ nhà.

[Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh: Đòn ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc]

Trung Quốc đã nói rõ rằng họ muốn Thế vận hội 2022 diễn ra an toàn nhất có thể. Do đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã đưa ra quyết định có trách nhiệm khi từ chối tổ chức một buổi lễ lớn có sự tham dự của khán giả quốc tế.

Điều này có nghĩa là các quan chức Mỹ có lẽ sẽ không được phép đến Trung Quốc do tình trạng dịch COVID-19 đang lây lan không kiểm soát tại Mỹ, ngay cả trong các quan chức hàng đầu.

Thứ hai, những tuyên bố về "tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người" ở Trung Quốc là không có cơ sở thực tế. Các luật sư từ Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu năm nay cho biết không có đủ bằng chứng để Mỹ tuyên bố có nạn diệt chủng ở Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, vốn là một tuyên bố hoàn toàn phi lý vì dân số địa phương đang tăng lên.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều tham gia Công ước về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng. Nếu Mỹ thực sự cảm thấy nạn diệt chủng đang diễn ra ở Khu tự trị Tân Cương, Mỹ có nghĩa vụ đạo đức phải chứng minh cho tuyên bố của mình và thực hiện hành động khẩn cấp.

Tuy nhiên, Mỹ đã không đưa ra một mảnh bằng chứng nào cho thấy tội ác diệt chủng hay tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Trung Quốc. Thay vào đó, Washington đang dựa vào một loạt các nội dung bôi nhọ có nguồn gốc đáng ngờ trên các phương tiện truyền thông vốn không thể xác minh.

Sau khi điều tra, những lời bôi nhọ này hóa ra là không đúng sự thật, hoàn toàn là suy đoán hoặc từ các bên có chương trình nghị sự chống lại Trung Quốc.

Mỹ đã gây áp lực buộc các tập đoàn rút khỏi Tân Cương hoặc ngừng kinh doanh với các nhà cung cấp ở Tân Cương, nhưng trong tất cả các trường hợp, các tập đoàn đó lưu ý rằng họ không quan sát thấy dấu hiệu nào của nạn diệt chủng hoặc hành vi vi phạm nhân quyền.

Làm thế nào mà nạn diệt chủng có thể diễn ra nếu không có người chết hàng loạt? Đơn giản là chẳng hề có nạn diệt chủng nào cả.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và truyền thông phương Tây đã chuyển hướng sang "tội ác diệt chủng văn hóa" mà không có định nghĩa rõ ràng điều này có nghĩa là gì, và một lần nữa lý do là vì không hề có chuyện như vậy xảy ra.

Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh - Gậy ông đập lưng ông ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc ngày 20/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bradley Blankenship - một phóng viên người Mỹ làm việc tại Prague, đồng thời cũng là một nhân tích chính trị - cho rằng việc Mỹ tuyên bố nước khác phạm phải bất kỳ tội ác diệt chủng hay tội ác chống lại loài người nào là hành động đạo đức giả khi nước này có số ca tử vong do COVID-19 đang trên đà vượt qua mốc 800.000 ca và để xảy ra tình trạng trẻ em bị bắn trong trường học, cảnh sát (cùng các lực lượng có vũ trang) sát hại người dân - hầu hết là những dân tộc thiểu số - mà không bị trừng phạt.

Ngoài những điều phi lý nói trên trong quan điểm của Mỹ, điều mà Mỹ đang làm thông qua việc "tẩy chay" Thế vận hội là làm suy giảm tinh thần đoàn kết quốc tế để khơi dậy lòng thù hận chống lại Trung Quốc.

Nhà phân tích chính trị Blankenship tin rằng đây là minh chứng cho thấy hình ảnh quốc tế của Mỹ đang bị lung lay, cho thấy Mỹ không có khả năng đánh giá chính xác các tình huống và cuối cùng là sự sa sút không thể đảo ngược của quốc gia này.

Điều này là do hành vi "tẩy chay" này gần như chắc chắn sẽ làm hoen ố hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu, thay vì làm tổn hại đến Trung Quốc.

Đầu tháng 12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết về Thế vận hội được 173 quốc gia đồng bảo trợ và các nước này hiện sẽ thúc đẩy Washington thực hiện trách nhiệm này.

Chính quyền Biden nhận thấy họ không thể cho thông qua một luật nhằm thực thi các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 trên toàn quốc hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp để chống lại mối đe dọa toàn cầu của biến đổi khí hậu.

Đối mặt với sự bất lực này, họ đang thực hiện những hành động vô nghĩa như tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh nhằm thể hiện rằng họ đang làm điều gì đó để ngăn chặn tình trạng ảnh hưởng và uy tín của Mỹ ngày càng bị xói mòn.

Đáng buồn thay, chính quyền Biden bất lực không thể làm được điều mà lẽ ra họ phải làm để ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của nước Mỹ, đó là sắp xếp lại trật tự ở ngay trong chính quốc gia mình.

Việc Mỹ cáo buộc Bắc Kinh phạm tội diệt chủng và đáp trả bằng việc tẩy chay Thế vận hội cho thấy mức độ uy tín và ảnh hưởng của nước này đã giảm đi rất nhiều.

Những hành động không cần thiết và gây chia rẽ như vậy là dựa trên "các nguyên tắc" rõ ràng là phổ biến ở Washington ngày nay.

Chỉ vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố "tẩy chay" Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, Mỹ sẽ tổ chức cái gọi là Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ. Hội nghị thượng đỉnh này đã khiến các quan chức hàng đầu của nhiều quốc gia tức giận vì sự độc quyền và tính hẹp hòi của nó.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, hội nghị này sẽ chỉ phơi bày thực tế chính sách đối ngoại của Mỹ gây chia rẽ như thế nào và càng làm hoen ố hình ảnh của Mỹ trước công chúng, giống như động thái mới nhất của Washington khi "tẩy chay" Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục