Mỹ thành điểm đến hấp dẫn về hoạt động sản xuất

Mỹ đang trở thành điểm đến hấp dẫn về các hoạt động sản xuất hơn so với các quốc gia hàng đầu châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), nhờ khả năng sản xuất tốt hơn cùng với lợi thế về nguồn năng lượng giá rẻ ở trong nước và chi phí nhân công tương đối thấp, Mỹ đang trở thành điểm đến hấp dẫn về các hoạt động sản xuất hơn so với các quốc gia hàng đầu châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo nghiên cứu trên, trong vòng sáu năm tới, ngành chế tạo của Mỹ sẽ đón nhận hoạt động sản xuất thêm 70-115 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu mà lẽ ra sẽ được xuất xưởng từ các nước đối thủ kể trên.

Việc chuyển hướng hoạt động sản xuất như vậy cũng sẽ tạo thêm 2,5-5 triệu việc làm ở Mỹ.

Nghiên cứu của BCG nhận định Mỹ đang từng bước trở thành một trong những nước có chi phí sản xuất thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Nghiên cứu nói rằng vào năm 2015, chi phí sản xuất trung bình ở năm nền kinh tế phát triển hàng đầu và dựa vào xuất khẩu là Đức, Nhật Bản, Pháp, Italy và Anh sẽ cao hơn 8-18% so với Mỹ.

Vào năm 2015, chi phí nhân công của Mỹ thấp hơn 16% của Anh, 18% của Nhật Bản, 34% của Đức và 35% của Pháp và Italy. Đồng thời, nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến việc lực lượng lao động Mỹ linh hoạt hơn nhiều so với các nước trên.

Bên cạnh đó, Mỹ còn có một lợi thế đáng kể khác là giá nhiên liệu giảm mạnh nhờ sự bùng nổ trong hoạt động khai thác khí đốt đá phiến. Nguồn khí đốt tự nhiên trong nước với giá rẻ trở thành thế mạnh cạnh tranh cho một số ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt là sản xuất hóa chất, nhựa, kim loại cơ bản, giấy và sợi tổng hợp.

Theo BCG, hiện các nhà máy đang được chuyển từ châu Âu và Nhật Bản tới Trung Quốc. Tuy nhiên, mức lương tại Trung Quốc tăng nhanh tới mức chi phí cho việc sản xuất hàng hóa tại nước này để xuất khẩu tới Mỹ vào năm 2015 sẽ chỉ rẻ hơn khoảng 5%.

Khi chi phí hậu cần và vận chuyển cũng như những rủi ro trong việc điều phối chuỗi cung ứng toàn cầu rộng lớn hơn được tính đến, việc sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Mỹ ngay tại Mỹ sẽ là kinh tế hơn khi nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nghiên cứu của BCG chỉ ra các dấu hiệu cho thấy xu hướng đó đã diễn ra. Đó là việc nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới Toyota (Nhật Bản) lắp ráp xe tại Mỹ để xuất khẩu tới Hàn Quốc, hãng Honda thúc đẩy việc sản xuất tại Mỹ phục vụ xuất khẩu, Siemens (Đức) xây dựng các tuốcbin khí tại Mỹ để bán cho Arập Xêút và Michelin cũng sản xuất lốp tại Mỹ để xuất khẩu./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục