Mỹ thử thành công tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình, đây là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Mỹ thử thành công tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF ảnh 1Một vụ thử tên lửa của Mỹ ở bang Alaska. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/8, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km.

Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đầu tháng 8 này.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết vụ thử tên lửa được tiến hành hôm 18/8 tại đảo San Nicolas, bang California. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất đã bị đưa ra khỏi phiên chế sau khi INF được thông qua.

[Nga: Mỹ chi ngân sách phát triển tên lửa trước khi rút khỏi INF]

Phản ứng về thông báo của Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvutkin cho rằng vụ thử nghiệm loại tên lửa trên cho thấy Mỹ đã vi phạm INF từ khi thỏa thuận này vẫn còn hiệu lực, và Washington đã chuẩn bị để đơn phương rút khỏi INF.

Trong khi đó, nghị sỹ Nga Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga chỉ trích "đây rõ ràng là một sự nhạo báng cộng đồng quốc tế.”

Ông Klintsevich tuyên bố Nga sẽ nỗ lực trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo Mỹ không đạt tiến bộ vượt trội về những loại vũ khí này. Nghị sỹ Nga cho biết thêm nước này không có ý định tham gia cuộc chạy đua vũ trang.

INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km). Tuy nhiên, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga-Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục