Mỹ triển khai ngoại giao theo ''phong cách Joe Biden''

Chuyên gia nhận định Tổng thống Mỹ Joe Biden là một nhà lãnh đạo cá tính, xử lý vấn đề nhanh gọn và mạnh mẽ đồng thời với cả đồng minh lẫn đối thủ, khiến nhiều người bất ngờ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới Hawaii để thị sát Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau đó cùng Ngoại trưởng Blinken tham dự đối thoại 2+2 tại Tokyo và Seoul với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau các cuộc đối thoại này, ông Blinken tới Alaska để gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, còn ông Austin sang thăm Ấn Độ.

Các chuyến thăm nước ngoài nói trên của hai ông Blinken và Austin được sắp xếp sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 12/3.

Các chuyến thăm này cũng được sắp xếp trước cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên dưới thời Biden giữa Mỹ và “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” là Trung Quốc.

Từ đó có thể thấy ông Biden là một nhà lãnh đạo cá tính, xử lý vấn đề nhanh gọn và mạnh mẽ đồng thời với cả đồng minh lẫn đối thủ, khiến nhiều người bất ngờ.

Trong một bài viết đăng trên báo Liên hợp, Giáo sư danh dự Trần Nhất Tân - làm việc tại Khoa Ngoại giao và Quan hệ quốc tế, trường Đại học Đạm Giang (Đài Loan, Trung Quốc) - cho rằng các chuyến thăm viếng nước ngoài của giới chức cấp cao Mỹ lần này ít nhất hướng tới 5 điểm sau:

Thứ nhất, tăng cường quan hệ với các nước đồng minh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai ông Blinken và Austin thăm Nhật Bản và Ấn Độ, trong đó, Nhật Bản là đồng minh cốt cán của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Không có sự ủng hộ hiệu quả của Tokyo, Washington dường như không thể có được chỗ đứng vững chắc ở châu Á.

Về phía Ấn Độ, nước này lâu nay theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, nhưng vì xung đột biên giới với Trung Quốc trong những năm gần đây nên đã quyết định tham gia Nhóm Bộ Tứ.

[Nhà Trắng xác nhận chính quyền Tổng thống Biden đã tiếp cận Triều Tiên]

Vì thế, Mỹ đương nhiên phải ra sức lôi kéo Ấn Độ. Đối với Australia, nước này không chỉ là đồng minh đáng tin cậy đầu tiên của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới I mà cũng là thành viên Nhóm Five Eyes (Liên minh tình báo giữa Mỹ, Australia, Canada, Anh và New Zealand).

Trong mắt người Mỹ, Australia được coi như “người nhà,” sau này, có thể tiến hành thăm bất cứ lúc nào.

Mỹ triển khai ngoại giao theo ''phong cách Joe Biden'' ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ hai, như ông Austin từng nói, các chuyến thăm nước ngoài lần này của giới chức cấp cao Mỹ chủ yếu là nhằm đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy và xây dựng “lực lượng răn đe đáng tin cậy” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặt khác, các chuyến thăm còn nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc quấy nhiễu láng giềng tứ phía và để các đồng minh của Mỹ trong khu vực yên lòng.

Thứ ba, trong các cuộc đối thoại 2+2, Mỹ thảo luận với các bên về vấn đề mà Tokyo quan tâm, đó là việc Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực, có thể gây ra mối đe dọa đối với khu vực, và việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể đẩy khu vực Đông Bắc Á vào khủng hoảng.

Kể từ khi ông Biden lên nắm quyền tới nay, Washington đã liên hệ với Bình Nhưỡng qua nhiều kênh, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong đối thoại 2+2, hai ông Blinken và Austin sẽ chủ yếu lắng nghe quan điểm của giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc để từ đó tham khảo, trước khi có cuộc gặp gỡ với ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Anchorage, thủ phủ của bang Alaska.

Thứ tư, trong đối thoại 2+2 tại Tokyo và Seoul, hai ông Blinken và Austin hoàn thiện và ký kết thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn cho việc đồn trú của binh sỹ Mỹ nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa Mỹ và 2 nước này.

Khi cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không tăng mức chi tiêu quân sự cho sự đồn trú của binh sỹ Mỹ, Washington sẽ giảm bớt các cam kết về an ninh và lực lượng Mỹ đóng ở Nhật Bản cũng như Hàn Quốc.

Thứ năm, và cũng là quan trọng nhất, mục đích chủ yếu của các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Biden là phát đi thông điệp với Bắc Kinh rằng “Mỹ đã thực sự trở lại” và “Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó lâu dài với Trung Quốc,” dù là hợp tác, cạnh tranh hay đối kháng, Mỹ đều sẵn sàng, thậm chí sẽ chủ động "ra đòn.”

Tóm lại, các chuyến thăm nước ngoài lần này của giớ chức cấp cao Mỹ không chỉ cho thấy sự kiên quyết và thần tốc, mà còn thể hiện phong cách lãnh đạo khác của ông Biden, đó là “lên kế hoạch kỹ càng trước khi hành động.” Đồng thời, Mỹ sẽ không còn “đơn đả độc đấu” với Trung Quốc, và những liên minh đối phó Trung Quốc sẽ được thúc đẩy hình thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục