Khi chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn chót cho việc đạt được thỏa thuận nhằm tránh "vách đá tài chính," Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định có cuộc gặp với những người đứng đầu hai đảng trong Quốc hội vào ngày 28/12 để khởi động vòng thương lượng cuối cùng. Hiện chưa rõ nước Mỹ có tránh sa vào "vách đá tài chính" hay không, song những số liệu kinh tế mới được công bố ít nhiều vẫn gắn với diễn biến đang rất được quan tâm này. Tại cuộc gặp trên, ông Obama có thể không đưa thêm đề xuất mới mà chỉ tập trung và những biện pháp đã được đưa ra một tuần trước, tức là chỉ tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 250.000 USD và tiếp tục cấp trợ cấp cho những người thất nghiệp dài hạn. Hiện quan điểm của hai đảng vẫn còn rất khác biệt, đặc biệt là về các kế hoạch tăng thuế đối với những người giàu nhất để có thể hạ thâm hụt ngân sách. Lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện và là nghị sỹ đảng Dân chủ Harry Reid đã hối thúc các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Hạ viện ngăn chặn một cú sốc tài chính bằng việc ủng hộ dự luật của Thượng viện về việc kéo dài chính sách cắt giảm thuế cho người dân Mỹ, trừ những người có thu nhập trên 250.000 USD. Tuy nhiên, Tổng thống Obama có thể vẫn vấp phải quan điểm cứng rắn từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nơi một nhóm những người bảo thủ đang phản đối bất kỳ quyết định tăng thuế nào. Dù vậy, một số nghị sỹ đảng Cộng hòa thuộc cả Thượng viện và Hạ viện đã sẵn sàng chấp nhận việc tăng thuế đối với người giàu, với điều kiện ông Obama phải đưa ra được các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Hạ viện sẽ làm việc trở lại vào ngày 30/12, một ngày trước khi thuế thu nhập sẽ bị tăng lên và có thể sẽ họp cho đến ngày 2/1, ngày làm việc cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay và là ngày mà việc cắt giảm chi tiêu tự động 109 tỷ USD sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trong khi đó, lo ngại rằng nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thỏa thuận, thuế sẽ tăng lên và chi tiêu sẽ bị cắt giảm, lòng tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng, đồng nghĩa với việc họ sẽ thắt chặt hầu bao, điều sẽ gây ảnh hưởng đến đà phục hồi dù ổn định hơn song vẫn còn yếu của kinh tế nước này. Chỉ số lòng tin tiêu dùng do Conference Board đưa ra giảm từ 71,5 điểm trong tháng 11 xuống 65,1 điểm trong tháng 12 và là tháng giảm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, người tiêu dùng đã hạn chế chi tiêu trong mùa mua sắm năm nay, đề phòng khả năng tăng thuế. Tuy nhiên, đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang có được động lực, khi số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp trong gần 4 năm rưỡi. Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 12.000 trong tuần kết thúc ngày 22/12, xuống mức đã được điều chỉnh theo mùa là 350.000. Điều này cho thấy mức độ sa thải nhân công nhân đã được hãm lại, dù việc thuê mới sẽ vẫn chậm. Dù vậy, các nhà phân tích ở Barclays Research tin rằng thị trường việc làm sẽ chưa có sự cải thiện đáng kể khi chưa có bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề "vách đá tài chính." Một dấu hiệu tích cực nữa của kinh tế Mỹ là doanh số bán nhà mới trong tháng 11 tăng 4,4% so với tháng 10, đạt 377.000 căn và đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2010. Doanh số bán nhà mới tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn chưa đạt đến mức 700.000 căn mà các nhà phân tích coi là vững chắc. Thị trường bất động sản Mỹ phục hồi dần trong năm nay nhờ sự cải thiện của thị trường việc làm và tỷ lệ thế chấp thấp kỷ lục và cũng nhờ nguồn cung nhà đã được thắt chặt sau giai đoạn bùng nổ.
Lê Minh (TTXVN)