Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu chạm mức đỉnh kể từ 2014

Trong phiên giao dịch chiều ngày 9/5, giá dầu thế giới tăng gần 3% và chạm mức cao nhất trong ba năm rưỡi qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu chạm mức đỉnh kể từ 2014 ảnh 1Cơ sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela ngày 14/11/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều ngày 9/5, giá dầu thế giới tăng gần 3% và chạm mức cao nhất trong ba năm rưỡi qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và bắt đầu áp đặt mức cao nhất của các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này.

Giá dầu thế giới ngày 9/5 đã tăng hơn 3%, đạt mốc cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi trở lại đây.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng lên mức 77,2 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 2,8%, đứng ở mức 70,96 USD/thùng, gần tới mức cao nhất của cuối năm 2014.

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng thiếu nguồn cung dầu mỏ.

[Lý do khiến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là nghiêm trọng]

Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 8/5, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho hay quốc gia vùng Vịnh này sẽ hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác cả trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng với các đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn khác nhằm hạn chế sự tác động của việc thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ.

Bộ này đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu nhằm đảm bảo lợi ích của cả nhà sản xuất và nhà tiêu thụ dầu mỏ, cũng như tính bền vững của kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định chấm dứt vai trò của Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân Iran và các cường quốc gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức hồi năm 2015, đồng thời khẳng định sẽ bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt chính quyền Tehran.

Nếu các cường quốc không đưa ra một thỏa thuận khác để thay thể thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay, nhiều khả năng Washington, trong vòng 180 ngày nữa, sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt Tehran.

Hiện tại, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia vào khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày, trong khi năng suất thực tế của nước này lên tới 12 triệu thùng dầu/ngày.

Trong khi đó, lượng khai thác dầu của Iran đứng ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% nguồn cung của thế giới. Trong đó, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn so với mức 1 triệu thùng dầu/ngày vào thời điểm trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết.

Các thành viên OPEC và cả các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác, gồm Nga đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức 1,8 triệu thùng dầu/ngày nhằm giữ giá dầu ổn định.

Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Trifecta Sukrit Vijayakar dự đoán xuất khẩu dầu mỏ của Iran sang thị trường châu Á và châu Âu chắc chắn sẽ giảm vào cuối năm nay và sang năm 2019 trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm các lựa chọn khác nhằm tránh gặp "rắc rối" với Mỹ khi Washington bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục