Na Uy siết chặt an ninh tại các dàn khoan sau vụ rò rỉ khí đốt

Nhà chức trách miền Tây Na Uy cho biết lực lượng an ninh đã tăng cường tuần tra tại các mỏ dầu khí trong khu vực sau sự cố rò rỉ đường ống khí đốt xảy ra hôm 8/10 trên Biển Baltic.
Na Uy siết chặt an ninh tại các dàn khoan sau vụ rò rỉ khí đốt ảnh 1Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại đảo Melkoeya (Na Uy). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/10, truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát Na Uy đã siết chặt an ninh tại các cơ sở dầu khí trên đất liền sau vụ rò rỉ đường ống khí đốt ba ngày trước đó trên Biển Baltic.

Tờ BA của Na Uy dẫn lời ông Helge Blindheim, lãnh đạo cảnh sát khu vực miền Tây nước này, cho biết lực lượng an ninh đã tăng cường tuần tra tại các mỏ dầu khí trong khu vực sau sự cố trên.

Cùng thời điểm trên, một tuyến cáp viễn thông nối Phần Lan và Estonia dưới Biển Baltic cũng đã bị hư hại.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định nếu các nhà chức trách chứng minh được rằng vụ rò rỉ đường ống dẫn dầu trên và vụ đứt cáp viễn thông dưới Biển Baltic là hành động phá hoại có chủ ý, thì tổ chức này sẽ có phản ứng đồng nhất và kiên quyết.

[Rò rỉ khí methane ở độ sâu bất thường dưới Biển Baltic]

Trước đó, ngày 8/10, đường ống dẫn khí đốt Balticconnector dài 77km nối Phần Lan với Estonia đã buộc phải ngừng hoạt động sau khi Gasgrid và Elering - hai nhà điều hành hệ thống khí đốt của hai nước trên - nghi ngờ rằng đường ống ngoài khơi đã bị rò rỉ.

Các cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc đang được tiến hành.

Đường ống Balticconnector bắt đầu vận hành thương mại vào đầu năm 2020. Đây là cơ sở trung chuyển hai chiều tùy theo cung và cầu, do Gasgrid Finland và Công ty Elering của Estonia cùng vận hành.

Với đường ống này, Phần Lan có thể tiếp cận các kho dự trữ khí đốt lục địa thông qua Estonia, trong khi đó Estonia có được nguồn cung khí đốt từ cảng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) lớn ở Inkoo, miền Nam Phần Lan.

Theo Gasgrid Finland, trong trường hợp đường ống bị rò rỉ, công tác sửa chữa có thể kéo dài “tối thiểu vài tháng” tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự cố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục