Các con số thống kê tính đến tháng 10 của Hiệp hội chủ công nghiệp Italy (Confindustria) và ngân hàng Intesa SanPaolo cho biết, 2014 là năm khủng khiếp nhất với nền kinh tế của miền Nam Italy kể từ sau Thế chiến II, với 88.000 doanh nghiệp đóng cửa vì suy thoái.
Theo các điều tra của Confindustria và Intesa SanPaolo, ngoài con số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động lên tới con số kỷ lục như trên, có tới 1/3 tổng số doanh nghiệp báo lỗ, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng kinh tế ở Italy.
Báo cáo của hai cơ quan này cũng cho biết, 2014 là năm mà các doanh nghiệp miền Nam Italy chịu tác động mạnh mẽ nhất kể từ khi khủng hoảng kinh tế nổ ra vào cuối năm 2007.
Chỉ số kinh tế khu vực này, được tính từ GDP khu vực, đầu tư cơ bản, xuất khẩu và số người có việc làm, đã giảm từ 444,7 điểm năm 2013 xuống còn 434,2 điểm, thấp nhất trong các miền của Italy.
Theo Confindustria, GDP của miền Nam Italy đã giảm 52 tỷ euro trong 7 năm khủng hoảng, đầu tư giảm 29 tỷ euro, trong khi số người có việc làm đã giảm 20%, xuống còn 6 triệu người.
Phân tích của Confindustria-Intesa San Paolo cho rằng, “bên cạnh khủng hoảng kinh tế và xã hội, miền Nam Italy cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng về niềm tin. Các doanh nghiệp không còn muốn đầu tư nữa, thanh niên thì bỏ đi, số vốn ít ỏi cho đầu tư từ ngân sách nhà nước không được sử dụng hợp lý.”
Tuy nhiên, theo điều tra này, chỉ số duy nhất tích cực với kinh tế miền Nam Italy là xuất khẩu, tăng 2,7% so với thời điểm trước khủng hoảng vào năm 2007./.